Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng: Nhà nước nên mua lại tất cả dự án BOT trên quốc lộ 1 để quản lý công khai, minh bạch hơn. Nếu không sau BOT Cai Lậy còn nhiều BOT Cai Lậy nữa trên cả nước. Vấn đề chỉ là thời gian.
ĐBQH Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Sáng 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng thu phí. Việc nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ và chờ trả lại 100 đồng hay việc đưa tiền lẻ một cách chậm rãi... khiến giao thông qua đây ùn tắc trong nhiều giờ, trạm phải xả. Chỉ riêng ngày 2/12, trạm thu phí này đã phải xả trạm 12 lần vì ùn tắc.
Trong khi Bộ GTVT, chủ đầu tư khẳng định không di dời thì làn sóng phản đối của người dân, lái xe ngày càng phức tạp và quyết liệt.
Về việc này, trao đổi trên Tri thức trực tuyến, ĐBQH Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho biết trong sự việc này ai sai người đó phải sửa. Người dân phải gánh phí khi họ không sử dụng dịch vụ là điều phi lý.
Ông Chiểu đánh giá tình hình tại đây đang dần trở nên nghiêm trọng. Sự việc này sẽ phức tạo và dai dẳng nếu không có động thái hợp lý từ Bộ GTVT.
"Trong những người phản đối ở BOT Cai Lậy, đại đa số là chính đáng và đúng luật. Pháp luật không cấm dùng tiền lẻ để thanh toán dịch vụ.
Người dân có ý kiến nhưng không được trả lời một cách thấu đáo dẫn đến có hành động phản đối là dễ hiểu", ông Chiểu nêu quan điểm.
Theo ĐBQH Trần Quang Chiểu, trong sự việc này, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm và sửa sai. "Tôi cho rằng không thể bắt dân gánh chịu việc Nhà nước làm sai được.
Bộ GTVT phải dời trạm BOT Cai Lậy về tuyến đường tránh. Khi trạm thu phí đặt đúng, thu đúng thì mới yên dân.
BOT cũng như một dịch vụ bình thường. Người dân không sử dụng dịch vụ mà bắt nộp phí thì quá phi lý", ông Chiểu nhấn mạnh.
Ông Chiểu cũng cho rằng, trạm thu phí còn đặt sai thì dân còn phản đối. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, sau lùm xùm ở BOT Bến Thủy sẽ còn nhiều BOT Bến Thủy nữa. Sau BOT Cai Lậy sẽ còn nhiều BOT Cai Lậy khác.
Đưa ra giải pháp cho những mâu thuẫn, bất đồng giữa tài xế và chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, ông Chiểu cho rằng dứt khoát phải di dời trạm về đúng vị trí. Sau khi dịch chuyển BOT Cai Lậy về đúng vị trí.
"Tôi cho rằng đối với các dự án BOT trên quốc lộ 1, Nhà nước nên mua lại toàn bộ để quản lý, trong đó có BOT Cai Lậy ở thời điểm này.
Đúng là ngân sách của chúng ta đang gặp khó khăn nhưng tiền thiếu thì vẫn thiếu, việc gì cần sửa vẫn phải sửa. Theo tôi tính toán nếu mua lại các trạm BOT trên quốc lộ 1 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Nhưng đâu phải mua lại là không thu phí đâu. Nhà nước sẽ rà soát lại vị trí đặt trạm, mức thu và tiếp tục thu phí để bảo trì và quản lý minh bạch hơn", ông Chiểu nhận định.
TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: P.H. |
Cùng chung quan điểm với Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc người dân sử dụng tiền lẻ là không sai tuy nhiên cần phải bình tĩnh hơn, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ GTVT phải vào cuộc quyết liệt nếu không sẽ đẩy tình hình ngày càng căng thẳng.
Trao đổi trên tờ Trí thức trẻ, TS Liêm lo ngại, việc phản đối sẽ lan rộng ra các trạm BOT khác và khi đó câu chuyện không còn chỉ của BOT Cai Lậy.
Theo ông, những mâu thuẫn, bất đồng của lái xe với chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy chính là ở vị trí đặt trạm BOT này.
"Lãnh đạo Bộ GTVT không ít lần nói đã kiểm tra, rà soát và khẳng định trạm thu phí này vẫn nằm trong dự án, nhưng tôi chỉ hỏi tại sao chủ đầu tư làm con đường tránh mà lại thu cả tiền phí trên Quốc lộ 1A?
Ở đây, theo tôi hiểu đó là thỏa thuận của Nhà nước với doanh nghiệp và thu như thế sẽ được nhiều tiền, nhanh chóng thu hồi vốn nhưng người dân sẽ không bao giờ chấp nhận, vì làm ở đâu thì thu ở đó, không thể làm một chỗ thu một chỗ khác. Đó cũng là nguyên nhân chính tạo ra mâu thuẫn, bất đồng trong thời gian qua", ông Liêm nêu vấn đề.
Theo TS Liêm, Bộ GTVT đang đứng trước một bài toán khó, giữa việc dời trạm thu phí BOT Cai Lậy và để thu phí. Bởi di dời thì phải bồi thường cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro cho ngân hàng, còn tiếp tục thu phí thì sẽ tiếp tục gặp phải sự phản đối của người dân.
Để tháo gỡ nút thắt cho những mâu thuẫn, bất đồng giữa tài xế và chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc đầu tiên Nhà nước cần làm trong lúc này là thu hồi lại dự án BOT.
Đức Hòa (tổng hợp)