Tin mới

Đại gia Đức An có bị bắt theo lệnh của tòa án Mỹ?

Thứ bảy, 04/08/2018, 14:01 (GMT+7)

Giữa Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định song phương về tương trợ tư pháp nên khó thực hiện việc bắt theo quyết định của tòa án Mỹ.\n 

Giữa Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định song phương về tương trợ tư pháp nên khó thực hiện việc bắt theo quyết định của tòa án Mỹ.

Chiều 2/8, mạng xã hội xôn xao tin đại gia Nguyễn Đức An - chồng của người mẫu Phan Như Thảo - bị tòa Mỹ phát lệnh bắt giữ. Một facebooker nổi tiếng tiết lộ: "Hồi đầu năm nay siêu mẫu Ngọc Thúy đã gửi đơn kiện chồng cũ là đại gia Nguyễn Đức An lên tòa án Santa Clara, California, Mỹ. Trong đơn, người đẹp cho rằng ông An không tuân thủ và thực thi các lệnh do tòa Mỹ ban hành liên quan tới trách nhiệm chu cấp cho hai con gái chung. 

 

Phiên xử đầu tiên được tiến hành tại Mỹ vào ngày 30/4 vừa qua nhưng ông An vắng mặt không có lý do. Vì thế thẩm phán của Tòa Thượng thẩm bang California, quận Santa Clara đã ký lệnh bắt giữ ông An với việc ông bất tuân lệnh tòa. Lệnh bắt giữ để hầu tòa có nêu chi tiết nếu muốn bảo lãnh tại ngoại (tiền bail) thì đương sự phải nộp số tiền là 100.000 USD. Lệnh bắt đã được chuyển sang Văn phòng Cảnh sát Liên bang Mỹ.

Ngọc Thúy và đại gia Đức An thuở còn mặn nồng.

Trước thông tin gây chấn động như vậy, đại gia Đức An thừa nhận công văn gửi từ tòa án Mỹ, ra lệnh bắt giữ là chính xác. Trả lời trên báo Ngoisao.net, ông An cho biết vợ cũ Ngọc Thúy đã cung cấp nhiều thông tin không rõ ràng, chính xác lên tòa án Mỹ nên mới có quyết định triệu tập và bắt giữ ông.

Trên thực tế thì đại gia Đức An hiện sinh sống ở Việt Nam. Do đó, rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, trong đó chú ý nhất là có cơ sở thi hành quyết định bắt người của tòa án Mỹ tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) nhận định trên báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh, việc siêu mẫu Ngọc Thúy kiện ông An là một vụ án dân sự. Nhưng sau đó ông An không tuân thủ và thực thi các lệnh của tòa nên theo pháp luật Mỹ thì hành vi này được xem là tội phạm, vụ việc được chuyển sang hình sự.

Về nguyên tắc, cảnh sát Mỹ chỉ có thể thi hành lệnh bắt giữ này khi ông An có mặt trên lãnh thổ Mỹ. Nhưng ông An đang sinh sống và làm việc tại VN nên để thi hành lệnh thì phía Mỹ có thể yêu cầu VN dẫn độ, theo quy định hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên. Nếu chúng ta chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước thì được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại.

Đến nay, Mỹ không nằm trong danh sách 24 quốc gia đã ký kết hiệp định song phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ với VN. Ông An là người gốc Việt Nam nhưng có quốc tịch Mỹ, vì là công dân Mỹ nên ông phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Mỹ. 

Vì vậy, nếu phía Mỹ có yêu cầu dẫn độ thì cơ quan có thẩm quyền của VN sẽ tiến hành theo nguyên tắc có đi có lại. Nguyên tắc này được hiểu là nếu quốc gia yêu cầu tương trợ tư pháp đã từng thực hiện tương trợ tư pháp theo yêu cầu của VN và khi có yêu cầu từ nước ngoài, VN đáp lại yêu cầu.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Châu (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng, chỉ khi ông An trở về Mỹ thì mới có thể bị bắt theo lệnh của tòa án Mỹ. Bởi ông An bị ra lệnh bắt vì không tuân theo triệu tập của tòa chứ không phải bị ra lệnh bắt vì không giải quyết tranh chấp vụ án dân sự.

Hiện tại Mỹ và Việt Nam chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp về dẫn độ nên lệnh bắt của tòa án Mỹ không đương nhiên được thi hành tại Việt Nam. Vì vậy, phải chờ ông An về Mỹ hoặc đến một quốc gia nào đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Mỹ. Mặc dù luật Việt Nam cho phép thực hiện việc dẫn độ theo yêu cầu của nước khác trên nguyên tắc có đi có lại nhưng việc thực hiện quy định này là không bắt buộc.

Cũng theo luật sư Châu, ông An có quyền khiếu nại lệnh bắt này bởi đây là quyền cơ bản của công dân mà ở quốc gia nào cũng áp dụng.

Giang Trần (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news