Tin mới

Đại gia khét tiếng “chán” ở nhà sang qua ngồi nhà đá

Thứ hai, 19/01/2015, 11:45 (GMT+7)

Chỉ sau khi tra tay vào còng số 8, Bầu Kiên, “siêu lừa” Huyền Như, Minh Sâm, Dương Chí Dũng - những đại gia nức tiếng một thời mới bị lộ ra khối tài sản "tiêu 5 đời không hết".

Chỉ sau khi tra tay vào còng số 8, Bầu Kiên, “siêu lừa” Huyền Như, Minh Sâm, Dương Chí Dũng - những đại gia nức tiếng một thời mới bị lộ ra khối tài sản "tiêu 5 đời không hết".

 

Bầu Kiên

Nguyễn Đức Kiên (sinh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên hiện còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội...

Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và trốn thuế. Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.

Theo bản cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao, cơ quan công an đã kê biên 3 bất động sản do ông Kiên và vợ đứng tên sở hữu, gồm: nhà và đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM); nhà và đất ở số 22 Hoàng Dư Khương (phường 12, quận 10, TP HCM); hơn 2.400 m2 đất tại 78/6 Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Biệt thự có giá hàng trăm tỷ đồng của bầu Kiên.

Một trong những tài sản của Bầu Kiên mà ai cũng biết đến là ngôi biệt thự vào loại đắt và đẹp nhất Hà Nội hiện nay, biệt thự ấy tọa lạc cạnh hồ Tây, thuộc mảnh đất “kim cương” ở Hà Nội, rộng 1,3 ha. Đây cũng là nơi mà gia đình ông đang ở. Khu đất được mệnh danh là đất kim cương của Hà Nội, thời kỳ sốt đất có giá tới 500-600 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó ông còn sở hữu loạt siêu xe sang trọng và hàng ngàn tỉ đồng cổ phiếu.

“Siêu lừa” Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như sinh năm 1978, thường trú ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM), nguyên Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank, chi nhánh TP HCM. 

"Siêu lừa" Huyền Như

Theo bản cáo trạng của VKSND Tối cao (dày 72 trang) được kiểm sát viên công bố tại phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã phạm hai tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.Với số tiền chiếm đoạt lên đến 4.911 tỷ Việt Nam đồng xảy ra tại VietinBank, đây là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam.

Tổng hình phạt tại tòa sơ thẩm đã tuyên, buộc Huỳnh Thị Huyền Như chịu trách nhiệm hình sự với mức án chung thân.

Trong phán quyết của sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, một số lượng tài sản khổng lồ của "siêu lừa" Huyền Như đã tiếp tục phải duy trì lệnh kê biên tài sản, tạm giữ và phong tỏa để đảm bảo thi hành án.

Tuy so tài sản bị kê biên của Huyền Như với số tài sản mà CQĐT thu giữ được là rất khiêm tốn, nhưng nó cũng đủ khiến dư luận phải choáng váng.

Trong hàng loạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như bị kê biên phải kể đến số lượng bất động sản “khủng” như: thửa đất rộng hơn 4.700 m2 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; căn hộ thuộc Tháp Ruby 1 (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải

Ngoài ra, Huyền Như còn bị kê biên hàng loạt căn hộ tại khu chung cư Orient Apartment, căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; biệt thự thuộc dự án The Garland (quận 9, TP HCM)…

Ngoài bất động sản, Huyền Như còn bị phong tỏa sổ tiết kiệm trị giá 83 tỷ đồng và ba xe ô tô hiệu: Civic, Lexus, Toyota Zace GL…

“Ông trùm” Minh Sâm

Vào ngày 13/8 vừa qua, hơn 100 cảnh sát thuộc nhiều lực lượng của Bộ Công an đồng loạt bao vây khám xét, bắt khẩn cấp 9 người thuộc Công ty TNHH Đại An và Công ty TNHH Thành Hưng, có trụ sở tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; trong đó có Nguyễn Ngọc Minh (còn gọi là Minh Sâm), Giám đốc Công ty TNHH Đại An cùng một số người thân của Minh. 


“Ông trùm” Minh Sâm.

Trước khi bị bắt, Minh Sâm được biết đến là một đại gia gỗ lớn nhất đất Kinh Bắc, doanh nghiệp Minh “sâm” từng được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc” của tỉnh Bắc Ninh.

Mặc dù Công ty Đại An thành lập từ năm 2000 với số vốn ban đầu không đáng kể, nhưng tính tới nay, khối tài sản của Minh lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài việc sở hữu khu chợ gỗ, Minh Sâm còn có tới 3 kho chứa gỗ lúc nào cũng đầy ắp cả vạn mét khối gỗ trắc, chưa kể các loại gỗ có giá trị cao khác. Với cách buôn tận gốc, bán tận ngọn, nhiều người ví số lợi nhuận thu được từ buôn bán gỗ quý của Minh còn hơn cả buôn ma túy...

Nói đến độ "ngông", Minh Sâm cũng được giới đại gia kiêng nể với hàng loạt "hàng khủng": bộ sưu tập xe sang đủ chủng loại như Rolls-Royce Phantom mang biển 99K-9999..., BMW, Lexus, Mercedes. Bên cạnh đó là loạt đồ gỗ, đồ cổ quý hiếm trị giá hàng chục tỷ đồng. Minh còn có thú chơi bonsai, cây cảnh độc đáo và tốn tiền.

Chiếc giường được làm từ gỗ huỳnh đàn đỏ nguyên khối của Minh Sâm, theo ước tính trị giá rơi vào khoảng 2,5 triệu USD (khoảng 50 tỷ đồng).

Nơi trưng bày loạt bộ sưu tập của vị đại gia khét tiếng một thời đất Kinh Bắc cũng được coi như “cung điện”. Nơi đây nằm đối diện với đại bản doanh của công ty, để xây dựng, ông trùm này đã bỏ ra tới hơn 500 m3 gỗ quý hiếm và thi công dựa theo phong cách kiến trúc lăng tẩm của các vua chúa ngày xưa, xung quanh khu vực “cung điện” này được tô điểm bằng hàng cây sưa đỏ để tạo bóng mát.

Dương Chí Dũng

Ngày 17-5-2012, CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 165 - BLHS).

Ông Dũng sinh năm 1957, quê quán Hải Dương, được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8-2005; đến tháng 7-2011, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Tháng 2-2012, ông Dũng được điều động sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải thuộc Bộ GTVT.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng, thời điểm điều hành Vinalines, Dương Chí Dũng đã có dấu hiệu, hành vi sai phạm nghiêm trọng về kinh tế trong thương vụ nhập, mua ụ nổi 83M. Tháng 1-2012, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng - Bộ Công an phát hiện và tổ chức xác minh dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.

Sau khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, nhiều tài sản của Dương Chí Dũng mới lộ ra ánh sáng. Đó là căn biệt thự mặt tiền rộng đến gần 10m trong một con ngõ rộng, thoáng trên phố Nguyên Hồng cùng căn hộ 2901, tháp B, toàn nhà SkyCity, 88 Láng Hạ, Hà Nội và căn hộ số 10, tầng 8, toà nhà Pacific, 83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

 Căn biệt thự ở đường Nguyên Hồng ước chừng trên dưới 100 m2. Theo thời giá hiện tại, căn biệt thự đó của Dương Chí Dũng có thể lên tới hàng chục tỉ đồng.

Hai căn hộ chung cư cao cấp ở SkyCity và Pacific được Dương Chí Dũng chi tiền mua cho bà P.T.Th là người có con riêng với ông. Được biết, hai căn hộ cao cấp nói trên đều đứng tên bà Th. Theo giá thị trường, 2 căn hộ này cũng có giá hơn 10 tỷ đồng.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news