Tin mới

Đại gia “rởm” lấy mác cán bộ cấp cao lừa đảo tiền tỷ

Thứ tư, 01/04/2015, 17:33 (GMT+7)

Không ít những kẻ vô\ncông rồi nghề đã lấy mác cán bộ cấp cao, sếp lớn đi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền\nlên đến hàng tỷ đồng.

Không ít những kẻ vô công rồi nghề đã lấy mác cán bộ cấp cao, sếp lớn đi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Giả danh đại tá công an lừa đảo tiền tỷ

Sáng ngày 12/3/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Văn Nhứt (SN 1958) ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Trần văn Nhứt tại cơ quan Công an

Theo tài liệu của cơ quan điều tra thì Trần Văn Nhứt đã giả danh đại tá công an lừa đảo tiền tỷ cùng với Bảy Cụt (chưa rõ tên thật) giả danh trung tướng, Tổng cục II, Bộ Công an đi đến các tỉnh, làm quen với cán bộ cao cấp của địa phương, qua đó, tiếp xúc với các doanh nghiệp và giới thiệu có khả năng  “chạy” dự án, công trình.

Để đánh bóng thương hiệu, đi đến đâu, Nhứt và Bảy Cụt cũng đều ở các khách sạn sang trọng, có người tháp tùng. Tin tưởng vào “vỏ bọc” ấy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã trở thành nạn nhân của Nhứt và đồng bọn.

Bước đầu, Cơ quan Công an đã xác định được hành vi lừa đảo của Nhứt là gần 2 tỷ đồng, trong đó lừa đảo một nạn nhân ở Hà Tĩnh 500 triệu đồng; một nạn nhân ở Bắc Ninh 1 tỷ 230 triệu đồng.

Ban đầu Cơ quan Công an đã thu được gồm 1 xe ô tô, tiền là tang vật của vụ án. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng yêu cầu những ai là nạn nhân của các đối tượng nói trên, cần cung cấp thông tin cho Công an Hà Tĩnh để phục vụ công tác điều tra, truy tố đối trưởng trước pháp luật.

Giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo

Hôm qua (30-3), VKSND TP Hà Nội đã truy tố Bùi Mạnh Tuân (SN 1983, trú ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo buộc, do cần tiền tiêu xài, Tuân tự giới thiệu là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT), có nhiều mối quan hệ và có khả năng vay vốn tín dụng ngân hàng, xin được việc làm hoặc mua căn hộ, chung cư… cho những người có nhu cầu. Lợi dụng lòng tin, khi bị hại đưa tiền, Tuân không thực hiện thỏa thuận mà chiếm đoạt tiền của họ.

Với thủ đoạn trên, tháng 6/2008, Tuân đến gặp chị Nguyễn Thị Lụa đang làm việc tại văn phòng nhà đất Nhuận Phát (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tuân tự giới thiệu là cán bộ tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội có khả năng giúp vay vốn của ngân hàng với lãi suất từ 6-8%/năm.

Chị Lụa đưa chi Tuân một bộ hồ sơ nhờ vay số tiền 45 tỷ đồng để công ty gia đình góp vốn mua khách sạn ở tỉnh Kon Tum.

Tuân đồng ý và thỏa thuận với chị Lụa phải được trích 2% trong tổng số 45 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ đồng) nhưng phải đưa trước 400 triệu đồng để Tuân làm chi phí giao dịch vay vốn ngân hàng.

Từ tháng 10/2008 đến tháng 1/2009, chị Lụa đã đưa cho Tuân 3 lần với tổng số tiền là 240 triệu đồng. Em trai của chị Lụa cũng đã chuyển cho Tuân 3 lần với số tiền 300 triệu đồng.

Tuân tại phiên tòa sơ thẩm

Để chị Lụa và em trai tiếp tục tin tưởng chuyển tiền, Tuân đã tự thảo ra bản photocopy “Quyết định số 912 ngày 18/5/2009” của Hội đồng tín dụng ngân hàng NN&PTNT về việc cấp tín dụng cho công ty của gia đình chị Lụa vay mức tín dụng số tiền gần 46 tỷ đồng, thời hạn vay 12 năm, mục đích là để mua khách sạn.

Sau khi đưa bộ hồ sơ giả, Tuân yêu cầu chị Lụa phải đưa số % còn lại như thỏa thuận.

Quá hạn, không thấy Tuân vay được tiền ngân hàng như đã hẹn, chị Lụa kiểm tra và phát hiện Tuân không phải là cán bộ ngân hàng như đã giới thiệu và quyết định mà Tuân đưa cho chị Lụa cũng là giả.

Ngay sau khi cơ quan điều tra vào cuộc và tiến hành xác minh tại ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Nam Hà Nội và tại ngân hàng NN&PTNT Việt Nam: Từ năm 2008 đến tháng 7/2012 không có cán bộ nào tên là Bùi Mạnh Tuân.

Như vậy, Tuân đã lừa đảo và chiếm đoạt của chị Lụa và em trai số tiền 540 triệu đồng. Tuân trả lại hơn 400 triệu hiện còn chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.

Cũng bằng thủ đoạn giới thiệu là cán bộ ngân hàng NN&PTNT, Tuân đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại khác số tiền gần 550 triệu đồng. Tổng số tiền Tuân chiếm đoạt gần 700 triệu đồng.

Xem xét hành vi phạm tội của Tuân, HĐXX tuyên phạt 13 năm tù giam.

Giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ để lừa đảo

Theo tin tức từ báo Thanh Niên, ngày 17/11/2014, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết lực lượng an ninh thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ Lê Công Hợp (36 tuổi, ngụ xã Quảng Đông, TP.Thanh Hóa), để điều tra hành vi lừa đảo.

Theo tài liệu điều tra, thời gian gần đây, Hợp thường xuất hiện tại một số địa phương ở Thanh Hóa, giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ lừa “chạy” dự án cho các doanh nghiệp và xin việc cho người dân.

Đối tượng Hợp bị cơ quan công an bắt giữ.

Chiều 15.11, Hợp tới khách sạn Mường Thanh (P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa), là nơi đón tiếp các đại biểu T.Ư về dự lễ công bố quyết định TP.Thanh Hóa là đô thị loại 1, xưng là cán bộ Văn phòng Chính phủ nhận 5 suất quà, tài liệu thì bị công an bắt quả tang.

Khám xét người và nơi ở của Hợp, công an thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan đến hồ sơ xin việc, hồ sơ đấu thầu các công trình xây dựng, các dự án.

Đóng giả Thứ trưởng Bộ Y tế, lừa đảo hàng tỷ đồng

Ngày 20/11/2014, Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng CSKT Công an Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 nữ đối tượng chuyên lừa đảo xin việc vào các bệnh viện Trung ương và Hà Nội. Ngoài việc giả danh Cán bộ Bộ y tế, các đối tượng còn cả gan thuê một người xe ôm đóng giả làm Thứ trưởng Bộ Y tế để tạo lòng tin cho khách hàng đưa tiền “chạy” việc.

Qua công tác trinh sát và đơn tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, Đội chống hàng giả - Phòng CSKT Công an Hà Nội đã bóc gỡ thành công ổ nhóm chuyên giả danh cán bộ Bộ Y tế, giả danh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và ông Vũ Bá Quyết- Giám đốc bệnh viện Việt Đức, để nhận tiền chạy việc của những người có nhu cầu.

Hai đối tượng chính trong vụ án này là Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Vương Thuý Nga (SN 1975, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị cơ quan công an bắt giữ.

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã thừa nhận hành vi lừa đảo chạy việc vào các BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức…

Hai đối tượng tại cơ quan điều tra

Các đối tượng đã chi 5 triệu đồng thuê một người xe ôm đóng giả làm Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến để gọi điện, nhắn tin cho những người có nhu cầu xin việc vào các BV, đồng thời thuê một phụ nữ đóng giả Thư ký của vị Thứ trưởng này để giao dịch công việc.

Trung bình mỗi trường hợp xin việc phải nộp cho các đối tượng khoảng 300 triệu đồng. Khi thu tiền đặt cọc, các đối tượng cấp cho nạn nhân 1 phiếu thu “tự chế” có đóng dấu của các BV để làm tin; sau đó tự khắc dấu của Bộ y tế để đóng hồ sơ xin việc và in các thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện để đưa cho nạn nhân nhằm thu nốt tiền.

Giả con trai Bí thư Thành ủy chiếm đoạt 15.000 USD

Ngày 18/11/2014, TAND TP. Hà Nội vừa tuyên phạt Nguyễn Tiến Anh (SN 1990, Hai Bà Trưng) 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 Theo cáo trạng, đầu năm 2013, Tiến Anh biết một doanh nghiệp tại HN đang bị Bộ Công an điều tra về hành vi trốn thuế; kèm theo đó là lô hàng trị giá khoảng 100 tỷ đồng đã bị tịch thu và sẽ được tổ chức bán đấu giá thanh lý. Với mục đích lừa đảo, Tiến Anh đến Chi cục Quản lý thị trường HN, tự giới thiệu là con trai Bí thư Thành ủy HN, đề nghị được mua lô hàng. Khi được hướng dẫn các thủ tục và gặp người giải quyết là đội trưởng tên H., Tiến Anh đã không mua, lấy lý do trị giá lô hàng lớn.

Nguyễn Tiến Anh tại tòa

Cuối tháng 6/2013, đang ở Singapore, Tiến Anh liên lạc với anh H. hỏi vay 15.000 USD bảo để chữa bệnh và được đồng ý. Quá hạn không thấy "thiếu gia" trả tiền, anh H. mới biết Tiến Anh là kẻ mạo danh nên tố cáo tới cơ quan công an.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news