Tin mới

Đại gia Thái Lan vì sao muốn thoái lui khỏi thương vụ Big C Việt Nam?

Chủ nhật, 06/03/2016, 09:46 (GMT+7)

"Lý do duy nhất có thể sẽ khiến chúng tôi không muốn tiếp tục cuộc đua là vì tiến trình hoàn tất thương vụ tại Việt Nam phức tạp hơn vụ mua Big C Thái Lan rất nhiều...",  đại gia Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central nói với giới truyền thông.

"Lý do duy nhất có thể sẽ khiến chúng tôi không muốn tiếp tục cuộc đua là vì tiến trình hoàn tất thương vụ tại Việt Nam phức tạp hơn vụ mua Big C Thái Lan rất nhiều...",  đại gia Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central nói với giới truyền thông.

Báo Nhịp cầu Đầu tư dẫn nguồn từ trang DealStreetAsia mới đây đưa tin, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group có thể sẽ không tiếp tục tham gia vào cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam nếu thương vụ này trở nên quá phức tạp.

"Chúng tôi đang cân nhắc nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Có thông tin cho rằng nhiều công ty rất quan tâm đến thương vụ diễn ra vào ngày 10/3 sắp tới. Tuy nhiên, lý do duy nhất có thể sẽ khiến chúng tôi không muốn tiếp tục cuộc đua là vì tiến trình hoàn tất thương vụ tại Việt Nam phức tạp hơn vụ mua Big C Thái Lan rất nhiều", Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central nói với giới truyền thông.

Giá trị tài sản của Big C Việt Nam ước tính khoảng 563,38 triệu USD, ông cho biết.

"Nếu quyết định cuối cùng là từ bỏ thương vụ này thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vì chúng tôi đã đạt mức doanh thu lên tới 600 triệu USD tại Việt Nam. Nhưng nếu chúng tôi có thể giành phần thắng trong thương vụ này, Big C có thể giúp Doanh thu tại Việt Nam của chúng tôi tăng gấp đôi", vị lãnh đạo này nói.

Đại gia Tos Chirathivat, Giám đốc điều hành Central Group.

Trong khi đó, Tos khẳng định ông không có ý định bán 25% cổ phần tại Big C Thái Lan cho Berli Jucker, một công ty con của TCC Holding.

Đây là đơn vị đã chi 3,1 tỷ euro để mua lại 58,6% cổ phần hệ thống bán lẻ này từ tay Casino Group vào tháng 2.

"Chúng tôi chưa bàn thảo gì nhiều. Nhưng chúng tôi chính là đơn vị sáng lập Big C tại Thái Lan 20 năm về trước, cho đến bây giờ giá trị tài sản của hệ thống bán lẻ này đã tăng lên 200 tỷ baht (5,65tỷ USD). Big C vẫn có tiềm năng kinh doanh tốt mặc dù tốc độ tăng trưởng không còn mạnh mẽ như trước đây", ông nói.

Tos cho biết, Central Group đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 337 tỷ baht (9,5 tỷ USD) năm nay, tăng 18,9% so với kết quả năm 2015.

Tại Thái Lan, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư vào cửa hàng bách hóa, các dự án chung cư, khách sạn và một số cửa hàng đặc biệt khác.

Đối với hoạt động tại nước ngoài, Central sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và khách sạn tại 8 nước là Ý, Đức, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Oman, Ethiopia và Cuba. Ngoài ra, các thị trường châu Á cũng lọt vào tầm ngắm của tập đoàn này gồm Việt Nam, Lào, Malaysia, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Sri Lanka và Maldives.

Tập đoàn này nhắm doanh thu bán lẻ quốc tế đạt 51 tỷ baht năm nay, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu Central Department Store Group. Mục tiêu đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 100 tỷ baht.

Báo Thanh niên dẫn nguồn tin cho biết, một nhà phân tích thị trường nói với Bangkok Post rằng có thể Central Group sẽ tham gia đấu thầu vì Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN. Nhánh kinh doanh bán lẻ của Central Group ở Việt Nam có hơn 6.000 nhân viên và doanh thu đạt 600 triệu USD vào năm ngoái. Nếu tập đoàn này mua lại được Big C Việt Nam thì doanh thu này có thể sẽ tăng lên gấp đôi, theo ông Tos. Hiện tại Central Group đã có hai trung tâm thương mại thời trang Robins ở Việt Nam và đầu năm ngoái vừa mua lại 49% cổ phần của Điện máy Nguyễn Kim.

Những thông tin về thương vụ mua lại Big C Việt Nam nóng lên sau khi Tập đoàn Casino bán 58,56% cổ phần của Big C Thái Lan cho Tập đoàn TCC của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi với giá 3,1 tỉ euro (3,5 tỉ USD) không bao gồm nợ. Có tin đồn là Big C Việt Nam sẽ được bán cho TCC nhưng sau đó đại diện Big C Việt Nam phủ nhận tin này. Theo Reuters, ngoài TCC thì một loạt tập đoàn bán lẻ lớn của các nước gồm Dairy Farm của Singapore, Lotte của Hàn Quốc và Aeon của Nhật Bản đều muốn tham gia đấu thầu mua lại Big C Việt Nam.

"Béo bở" như BigC, vì sao các đại gia Việt Nam lại không mặn mà?

Tin tức trên báo Trí thức trẻ, sau hai tháng Tập đoàn Casino rao bán BigC Việt Nam với giá 900 triệu USD, đã có ít nhất 5 đại gia bán lẻ muốn mua lại hệ thống bán lẻ này của người Pháp.

5 DN này bao gồm: hai doanh nghiệp Thái Lan là Berli Jucker (BJC, do tập đoàn TCC nắm quyền chi phối) và Central Group; Lotte Shopping (Hàn Quốc), Dairy Farm (Singapore) và mới nhất là tập đoàn Aeon (Nhật Bản).

Những doanh nghiệp lên tiếng muốn mua lại chuỗi BigC đều là những nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt ở thị trường Việt Nam.

Bởi theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành, lợi ích sau khi thâu tóm thành công BigC, các tập đoàn này có thể tiết kiệm được đến gần 7 năm cho việc xây dựng cũng như nhiều chi phí khác để phát triển chuỗi kinh doanh.

10/3 tới là ngày chốt số phận BigC Việt Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Vinmart hay Saigon Coop tỏ ra không mấy "mặn mà" với thương vụ này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, doanh nghiệp Việt không mặn mà mua lại BigC là vì không có tiền.

"Biết BigC là miếng mồi ngon đấy nhưng không có tiền thì làm sao mà mua được", ông Phú nói.

Ông cho biết, kể cả doanh nghiệp lớn như Co.op Mart, vốn cũng chỉ 1.000 tỷ đồng, trong khi BigC được rao bán tới 900 triệu USD thì việc mua lại cực kỳ khó khăn.

Hapro cũng không thể mua nổi. Hiện nay, Hapro đã thua trên mặt trận bán lẻ, mạng lưới ở Hà Nội đang mất dần, chỉ chiếm 2% doanh số bán lẻ.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ hiện nay đang chứng kiến rất nhiều thương vụ giữa DN nội và ngoại. Trong đó, vai trò của DN nội chủ yếu đứng ở phía "bị mua". Có thể kể ra hàng loạt siêu thị, chuỗi bán lẻ đã bị bán bớt cổ phần cho nước ngoài như Fivimart, Citimart, Nguyễn Kim...

Theo ông Phú, nếu doanh nghiệp Việt mua BigC thì phải có tiền và mua ít nhất 51% cổ phần để nắm quyền điều hành. Để chuẩn bị được chừng đó tiền đã là rất khó khăn.

Trong khi đó, ông chủ BigC hiện tại, Casino Group muốn bán BigC Việt Nam để giải quyết vấn đề nợ nần, vì vậy, chắc chắn họ không chỉ muốn bán 51%, mà phải "thanh lý" toàn bộ số cổ phần mình đang nắm giữ, như trường hợp họ đã làm với BigC Thái Lan.

BigC Thái Lan đã được TCC mua lại với giá 3,1 tỉ USD. Tập đoàn này hiện cũng vừa hoàn thành thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam.

Lúc đó, cả Metro và BigC cộng lại sẽ tạo thành doanh nghiệp bán lẻ rất lớn với 32 siêu thị BigC, 10 cửa hàng tiện lợi New Chợ và 19 siêu thị Metro.

"Các Tập đoàn Thái Lan sẽ lấn át, trở thành ông trùm trong ngành bán lẻ Việt Nam. Tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ tụt xuống thay vào đó là hàng Thái Lan. Trong kinh doanh, nếu hệ thống phân phối không cạnh tranh nổi thì chỉ có cách đi làm thuê mà thôi", Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội lo ngại.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Theo Đời sống&Phápluật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news