Đối với đại tá Đương, cùng với những tấm ảnh kỷ niệm một thời bom đạn chiến trường, thì những lần được gặp bác, đưa đón bác đi chữa bệnh luôn là những ngày tháng “không thể mờ phai”.
Con đường trở thành phi công của Đại tá Công Doãn Đương rất tình cờ. Năm 1961, khi đang học cấp III tại trường Xuân Đỉnh, cậu thanh niên 19 tuổi Công Doãn Đương bất ngờ trúng tuyển phi công sau một kỳ sơ tuyển ngay tại trường.
Ba năm sau đó là thời gian ông miệt mài học tập tại Trường Đào tạo không quân tại Liên Xô. Tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường, cầm trong tay tấm bằng Đỏ, Công Doãn Đương trở về nước và tiếp tục đi học bổ túc ở Trung đoàn 910 cũ tại Cát Bi.
Sau đó, ông vừa bay phục vụ chiến đấu, vừa bay phục vụ chuyên cơ tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 919. Năm 1965, ông tiếp tục học bổ túc ở trường hàng không về dẫn đường. Cũng sau khoá học này, phi công Công Doãn Đương được đảm nhiệm hai nhiệm vụ, vừa lái máy bay, kiêm hoa tiêu dẫn đường.
Ông Đương cho biết, trong suốt cuộc đời làm phi công của mình, ông có quá nhiều kỷ niệm. Nhưng hơn hết là ước mơ được bay lên bầu trời, may mắn được lái máy bay chở Bác, được sống và tận hiến.
Theo tin tức ông chia sẻ trên báo Giao thông Vận tải, đã 38 năm trôi qua nhưng những ký ức về bốn lần lái máy bay đưa Bác Hồ đi chữa bệnh ở nước ngoài của ông vẫn còn nguyên vẹn, rõ đến từng chi tiết.
Bốn lần lái máy bay đưa Bác Hồ đi chữa bệnh ở nước ngoài vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cựu phi công |
Chuyến bay đầu tiên là vào tối muộn 15/9/1967, người phi công Công Doãn Đương lúc ấy mới ngoài 20 tuổi đã vô cùng sung sướng, vinh dự khi được giao nhiệm vụ cùng tổ bay (ba người, trong đó Đương là phụ lái kiêm dẫn đường) thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đưa Bác Hồ đi chữa bệnh ở Trung Quốc (bay từ Hà Nội lên Sân bay Nội Bài rồi chờ máy bay của Trung Quốc sang đón Bác).
Ông kể: “Lúc này Bác đã rất mệt, không thể tự đi được mà phải nằm cáng. Người khiêng Bác lúc bấy giờ là ông Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Trần Kim Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội. Đi đằng sau là ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, cầm ba toong và ôm một chiếc cặp. Cùng đi còn có ông Lê Văn Lương, lúc bấy giờ là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Theo mô tả của ông, lúc đó, trời đã rất khuya. Đang ngồi đợi máy bay của nước bạn sang đón Bác tại Sân bay Nội Bài, Bác quay sang anh em tổ bay rồi nói: “Các chú đi với Bác từ sớm chắc chưa kịp ăn. Giờ đã rất muộn rồi, chắc các chú cũng đói và mệt lắm”. Rồi Bác quay sang bảo đồng chí Tám lấy phích sữa ra cho anh em uống (đi theo Bác hồi đó lúc nào cũng có hai người. Một là đồng chí Chiến, lúc nào trên tay cũng có một chiếc mũ sắt phòng khi có báo động thì đội cho Bác. Người còn lại là đồng chí Tám, đi đâu cũng xách hai phích, một phích nước và một phích sữa để Bác tiện dùng). Lúc này, đồng chí Tám nói: “Bao giờ Bác lên máy bay lớn đi Trung Quốc, ở nhà cháu sẽ đưa các anh ấy uống”.
Khi máy bay phía Trung Quốc đến, mọi người đã khiêng Bác được một đoạn, Bác còn cố quay lại nhắc đồng chí Tám nhớ đưa các chú phi công uống sữa”, ông Đương nghẹn ngào kể. “Cả đời tôi sẽ không thể quên được ly sữa của Bác hôm đó. Bác mệt thế, yếu thế nhưng vẫn không quên lo lắng cho anh em chúng tôi” - Đại tá già tiếp lời trong nước mắt.
Đại tá phi công Công Doãn Đương thời trẻ và hiện tại |
Tiếp theo, Chuyến thứ hai bay phục vụ Bác cũng chính là lần ông đón Bác chữa bệnh về nước, một tuần trước khi bước sang năm 1968.
Theo lời kể của Đại tá Đương, đó là ngày 23/12/1967, lúc này, Bác đã khoẻ hơn nhiều, có thể tự đi lại được. Trong lần về nước này, Bác đã trao huy hiệu cho các phi công bắn rơi máy bay và lãnh đạo Phòng không - Không quân, trong đó có ông Phùng Thế Tài, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Tối hôm Bác quay trở lại Trung Quốc để tiếp tục chữa bệnh (tối mùng 1 tháng Giêng năm 1968, cũng là lần thứ ba Đại tá Đương được lái máy bay chở Bác). Lúc đang ngồi trong máy bay, trên đường băng tại Sân bay Nội Bài, chờ máy bay phía Trung Quốc đến đón, ông Đặng Tính lúc bấy giờ là Tư lệnh, kiêm Chính uỷ của Phòng không - Không quân lên xin huy hiệu Bác.
Ông Tính nói: “Thưa Bác, hôm nay cháu đi kiểm tra chiến đấu ở trên này, biết máy bay của Bác vẫn đang kẹt lại đây vì thời tiết xấu, cháu vào thăm Bác và muốn xin Bác một cái huy hiệu”. Bác bảo: Chú vừa là Chính ủy, vừa làm Tư lệnh, hãy cố gắng động viên bộ đội, bắn rơi nhiều máy bay, khi về Bác sẽ tặng cho. Các chú lái trực thăng cho Bác được ba chuyến an toàn, Bác cũng sẽ tặng mỗi chú một huy hiệu. “Chú Kỳ thống kê lại cho Bác để lần sau về Bác sẽ tặng”, Bác nói.
Trong lần thứ ba chở Bác đi chữa bệnh này, anh em có dịp nói chuyện nhiều hơn do phải chờ máy bay của nước bạn đến muộn vì lý do thời tiết. Lúc ngồi trên máy bay giữa đường băng, xung quanh là anh em tổ bay, ông Đặng Tính, ông Phùng Thế Tài, ông Vũ Kỳ…, Bác hỏi rất nhiều về đời sống, về gia đình của mọi người.
Biết được tôi có bạn gái đang làm ở Bệnh viện 108, trong lần trở về kế tiếp vào ngày 23/4/1968, cũng là lần cuối cùng tôi được phục vụ Bác, Bác vẫn nhớ và gửi quà cho người yêu tôi, cũng là vợ của tôi bây giờ.
"Nếu như cả ba lần bay trước, chúng tôi đều đi vào ban đêm thì trong lần cuối cùng này lại là một chuyến bay ban ngày. Đón Bác lần này có cả ba đồng chí lãnh đạo cấp cao lúc đó là đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng”, Đại tá Đương nhớ lại.
Ông cho biết, lần đầu được gặp Bác là năm 1957, khi Bác về thăm nhà ông nội mình, cũng là cơ sở in bí mật của báo Cờ Giải phóng. Trước đó, năm 1941, đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ đang phụ trách tờ báo, đã chọn nhà của ông nội ông là cơ sở in báo Cờ Giải phóng.
Tấm ảnh chụp cảnh Bác Hồ rảo bước trên đường dẫn vào cơ sở in báo Cờ Giải phóng mà sau này ông xin chụp lại từ Bảo tàng Hồ Chí Minh được ông phóng to và treo trang trọng trong căn nhà đang ở bây giờ tại Phú Thượng, Hà Nội.
Trong ảnh, cậu bé Công Doãn Đương khi đó mới 15 tuổi, đang nhanh nhảu chạy theo Bác trên con đường làng. Và điều ít ai ngờ là 10 năm sau, cậu bé nhỏ con ngày nào đã trở thành anh phi công trẻ, được vinh dự chọn lái máy bay phục vụ Bác.
Phong Vân (Tổng hợp)