Tin mới

Dân phản đối Quy chế quản lý di tích Phủ Dầy: Chính quyền lên tiếng

Thứ ba, 03/02/2015, 09:24 (GMT+7)

Ngày 6/1/2015, UBND huyện Vụ Bản, Nam Định đã ban hành quy chế: Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Tuy nhiên, quy chế này đã vấp phản sự phản ứng của một bộ phận người dân.

 

 

Ngày 6/1/2015, UBND huyện Vụ Bản, Nam Định đã ban hành quy chế: Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Tuy nhiên, quy chế này đã vấp phản sự phản ứng của một bộ phận người dân.

Nỗi lo "cha chung không ai khóc"

Ông Lê Hồng Lân - thủ nhang Lăng Mẫu (người cai quản các ngôi đền, phủ và tổ chức các nghi thức hành lễ) cho biết: Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy gồm hơn 20 di tích thờ Bà chúa Liễu Hạnh.

Trước năm 1988, hoạt động nghi lễ chầu văn bị hạn chế, thậm chí có lúc được coi như một hoạt động mê tín dị đoan. Tất cả các di tích trong quần thể Phủ Dầy đều không được quản lý, bị xâm hại, hư hỏng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những thủ nhang của các phủ, lăng vẫn duy trì tín ngưỡng cho đến khi được khôi phục. Bằng công sức, của cải và tiền công đức của du khách thập phương, gia đình ông Lân cũng như những thủ nhang đã tu bổ, tôn tạo những di tích được khang trang như bây giờ.

Ông Lê Hồng Lân - thủ nhang Lăng Mẫu không đồng tình về nhiều điểm trong quy chế.

Ông Lân bức xúc: “Khi các anh (UBND huyện-PV) ra đề án là 21 tuổi được ứng cử thủ nhang thì làm sao họ biết thờ cúng, làm sao biết lễ nghi? Tuy đề án ra sau này có chỉnh sửa, chấp nhận cho những người trông coi làm thủ nhang nhưng vẫn có mập mờ ở điểm bắt các thủ nhang hàng ngày, hàng quý phải báo cáo về UBND huyện tiền viết sớ, tiền dầu nhang, tiền công đức là bao nhiêu… chúng tôi có phải cơ quan nhà nước đâu. Chúng tôi hàng năm vẫn nộp ngân sách xã theo mức mà chính quyền quy định. Trước đó khi di tích còn hoang sơ, bị tàn phá thì chính quyền không đầu tư tu bổ, sau khi chúng tôi đã tôn tạo, gây dựng lăng, phủ và lễ hội bằng mồ hôi, tiền của, công sức thì họ lại vào đưa ra những yêu cầu vô lý mà không đếm xỉa đến công sức chúng tôi bỏ ra.”

Video: 

 

 

Là người trong thôn, bà Trần Thị Thúy (85 tuổi), bà Trần Thị Quyền (93 tuổi) , xóm 3, xã Kim Thái chứng kiến di tích từ khi còn bị bỏ hoang cho đến lúc khang trang như ngày nay khẳng định: Công lao của những thủ nhang họ Lê trong quá trình bảo vệ, tu bổ, duy trì lễ lạt ai cũng biết. Quần thể di tích Phủ Dầy ngoài là nơi tín ngưỡng, tâm linh của cả nước thì đó còn là nơi thờ tự của con cháu họ tộc với tổ tiên. Vì vậy, việc để người khác ứng cử làm thủ nhang thì người dân không đồng ý.

Rất nhiều người dân có mặt tại Lăng Mẫu để bày tỏ ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Định (xóm Phủ Chính, 56 tuổi) cho hay, việc bầu thủ nhang phải là do người dân bầu lên, được sự tín nhiệm của nhân dân, nắm rõ được mọi lễ nghi, phong tục thờ cúng, nếu người dân còn tín nhiệm thì sẽ tiếp tục làm chứ không thể chỉ làm nhiệm kỳ 5 năm được.

Ông thủ từ Trần Việt Đức băn khoăn: “Trên 20 năm nay, các thủ nhang đã đầu tư vào di tích nhiều tỷ đồng, có di tích lên đến gần 100 tỷ đồng như Phủ chính Tiên Hương. Vậy nếu bây giờ áp dụng quy chế, thay người làm thủ nhang, các khoản đầu tư, các khoản nợ do đầu tư sẽ được xử lý như thế nào?

Nếu coi việc trông coi các di tích, làm thủ nhang như quyền lợi để tranh cử, những thủ nhang sẽ tích cực khai thác di tích kiếm lợi và sẽ không quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Công sức của nhiều gia đình các thủ nhang suốt nhiều năm qua sẽ trôi xuống sông xuống biển, các di tích được khai thác hết mức và không được đầu tư tu bổ, phát triển, và tình trạng hoang hóa, bị xâm hại sẽ trở lại. Cha chung không ai khóc là một tình trạng phổ biến và có sức tàn phá kinh khủng. ”

Ông Trần Thịnh Tuệ (cán bộ quân đội về hưu, xóm 3) không đồng tình với việc di dời chợ Viềng khỏi vị trí cũ. Đồng thời, theo nhiều phản hồi của người dân, họ không đồng tình với việc UBND huyện triệu tập bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, thủ nhang lên phổ biến và yêu cầu ký vào phiếu thăm dò về dự thảo QCQL Phủ Dầy khi họ chỉ được tiếp xúc, nghiên cứu quy chế trong 30 phút. Và việc bắt tháo dỡ biển cũ để thay tên Lăng Mẫu bằng tên phủ Thiên Hương cũng khiến người dân không đồng tình.

Chính quyền lên tiếng

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Đình Mậu, Phó chủ tịch UBND huyện kiêm tổ trưởng tổ soạn thảo nói: Quy chế mới ban hành này có tiền thân là đề án 02, do UBND huyện Vụ Bản thực hiện từ năm 2009, nhưng thất bại vì không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đề án có những bước làm chưa chặt chẽ, không hiệu quả. Đến tháng 5/2014, huyện tái khởi động Quy chế, căn cứ rất nhiều văn bản pháp luật, trong đó có thông tư liên tịch số 04 của Bộ VHTT&DL và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo lãnh đạo huyện, Quy chế này có nhiều điểm thay đổi với đề án trước đó, vì không đặt vấn đề lập BQL nữa-điểm khiến người dân phản ứng mạnh. UBND xã Kim Thái vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý di tích, thu các phần phí bến bãi, dịch vụ, còn lại các thủ nhang quản lý toàn bộ tiền công đức, giọt dầu tại đền phủ. Chính quyền hoàn toàn không động đến nguồn thu này.

Phủ Tiên Hương (phủ chính) trong quần thể di tích Phủ Dầy.

Về quy định người trông coi di tích, thủ nhang sau khi tiếp nhận ý kiến phản hổi, ban soạn thảo đã có những chỉnh sửa cho hợp lý. Đơn cử như việc từ 21 tuổi trở lên có thể ứng cử làm thủ nhang đã được bãi bỏ. Thay vào đó, thủ nhang phải phải hội đủ một số tiêu chuẩn như: Là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích, có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, được nhân dân địa phương tín nhiệm, có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích. Trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm, nếu 2 người có số phiếu bằng nhau sẽ ưu tiên người có tuổi đời cao hơn.

Sau khi được tín nhiệm, người trông coi sẽ ký hợp đồng quản lý di tích với thời hạn 5 năm, sau thời hạn này nếu làm tốt sẽ được xem xét tiếp tục.

Ông Mậu nhấn mạnh: “Nếu thủ nhang làm tốt công tác quản lý, bảo tồn di tích và nhận được sự tín nhiệm từ người dân thì sau nhiệm kỳ vẫn tiếp tục được làm thủ nhang. Ngược lại, nếu trong quá trình làm thủ nhang, người này vi phạm những điều trong quy chế quy định, gây tổn hại di tích, không được bà con tín nhiệm thì dù chưa hết nhiệm kỳ cũng sẽ bị thôi làm thủ nhang để bầu thủ nhang mới.”

 “Sau khi xây dựng xong, chúng tôi tổ chức họp tổ dự thảo quy chế 10-15 lần, thông qua hội nghị ủy ban chục lần. Nếu tính chính thức họp thường vụ có tới 60-70 hội nghị, lần nào cũng có ý kiến và chỉnh sửa. Ngày 20/11/2014, tổ chức lấy ý kiến tại xã Kim Thái với 95 đại biểu trong đó có thủ nhang các đền phủ. Không có chuyện lấy phiếu tín nhiệm trong 30 phút đến 1 tiếng. Vì chúng tôi nói rõ với các đại biểu đến dự là: Ai đọc xong thấy đồng thuận có thể cho ngay ý kiến, nếu chưa hiểu rõ có thể mang về nghiên cứu và cho ý kiến sau”, ông Mậu nói.

Lãnh đạo UBND huyện cho biết thêm, những khúc mắc của người dân đa phần là chưa nghiên cứu kỹ quy chế mới, họ nghĩ quy chế lần này đưa ra cũng giống như đề án năm 2009 nên có phản ứng gay gắt. Ông Mậu cũng cho biết, từ khi có phản hồi của người dân, chính quyền cũng chưa có 1 buổi gặp mặt trực tiếp để giải thích cho họ về những điểm mới trong quy chế.

Thiết nghĩ, nếu chính quyền và người dân cùng ngồi lại, làm rõ những khúc mắc thì sẽ không có chuyện “đối đầu” như vụ việc nói trên.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news