Tin mới

Đắng cay lao động "chui" sang Thái Lan, khổ cực vẫn bám trụ

Thứ tư, 15/04/2015, 09:46 (GMT+7)

Mang lại nguồn thu nhập khá cao, vì thế dù làm việc trái phép nhưng rất nhiều lao động vẫn cố gắng tìm đường sang Thái Lan với hy vọng đổi đời.

Mang lại nguồn thu nhập khá cao, vì thế dù làm việc trái phép nhưng rất nhiều lao động vẫn cố gắng tìm đường sang Thái Lan với hy vọng đổi đời.

Trong những năm gần đây, việc người dân đổ xô sang thị trường lao động Thái Lan làm ăn bằng con đường bất hợp pháp đang gây ra những khó khăn trong việc quản lý con số người lao động tại địa phương.

Lý do mà lao động phổ thông chọn Thái Lan là điểm đến dù nước này chưa chính thức tuyển dụng lao động Việt Nam là dễ đi, tốn ít kinh phí, dễ tìm việc và quan trọng là thu nhập khá cao.

‘Hầu hết lao động làm thủ tục theo hình thức đi du lịch. Chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và nộp 250 nghìn đồng là có thể làm được giấy tờ để đi’, anh Cao Văn Dinh (39 tuổi) trú xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết.

Vì cuộc sống khó khăn, năm 2013, anh Dinh quyết định sang Thái Lan làm việc. Được một người quen biết dẫn mối, không qua bất kỳ một công ty nào, anh Dinh tự sang bươn chải tìm kiếm việc làm. Với công việc phục vụ tại một quán ăn. Tại đây, một ngày của anh bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 10h tối.

Anh Dinh cho biết, mỗi lần thấy công an Thái Lan là người lao động phải chạy đi trốn

Đến Thái Lan, người lao động làm đủ các nghề như bưng bê, dọn dẹp, giữ xe ở các nhà hàng, thợ xây, sửa chữa cơ khí, giúp việc gia đình hay buôn bán hàng rong. Vất vả đủ bề nhưng vì miếng cơm, manh áo, mọi người vẫn tìm cách để bám trụ lại Thái Lan tiếp tục làm việc.

Về phần anh Dinh, sau 2 năm ở nơi đất khách, chán cảnh phải trốn chui trốn lủi khi thấy công an nên anh quyết định về quê hương, làm lại từ đầu.

Theo anh Dinh, hầu hết lao động nghe theo môi giới cá nhân, đưa sang bằng đường đi du lịch rồi trốn ra ở lại đi làm thuê. Do vậy, họ đều vi phạm pháp luật Thái Lan và có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện.

Chị Trương Thị Lợi (38 tuổi), trú xã Diễn Lộc, Diễn Châu (Nghệ An) lắc đầu cho biết: ‘Làm việc bên ấy khổ lắm, chồng tôi đã 3 lần bị bắt và trục xuất về nước. Mỗi lần như vậy bị phạt gần 15 triệu đồng, bị giam 48 ngày và bị buộc phải về Việt Nam bằng máy bay. Còn những người khác nếu không bị bắt, sau khi hết 28 ngày (thời gian quy định dành cho visa với mục đích du lịch) thì lại tiếp tục xin gia hạn để ở lại làm việc’.

Chưa kể đến việc có không ít người đi theo hình thức này đã bị lạm dụng thân thể, bị ngược đãi, không được bố trí công việc theo như thỏa thuận ban đầu, không được hưởng các quyền lợi dành cho người lao động.

Khổ cực là thế, nhưng không thể phủ nhận, làmviệc trên đất khách đưa lại nguồn thu nhập khá, từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng. Vì thế rất nhiều người vẫn đổ xô sang Thái Lan dù con đường sang đây là bất hợp pháp. Hơn nữa, mỗi lao động chỉ cần mất 2 - 3 triệu đồng cho 'cò' hoặc đi theo người thân, bạn bè là có thể 'xuất ngoại'. Trong khi đó, nếu đi thep con đường chính thống, người lao động phải bỏ ra một khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng nếu muốn đi các nước như Malaysia, Angola…

Ông Trương Công Sửu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: ‘Hiện nay không thể thống kê được có bao nhiêu người sang Thái Lan để tìm việc. Bởi tất cả đều đang làm việc bất hợp pháp. Đây là một thực trạng nhức nhối diễn ra lâu nay, người lao động chỉ thấy được cái lợi trước mắt, chưa ý thức được hậu quả, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn, người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi nào khi không có giấy tờ’.

Ông Trương Công Sửu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH (bên phải) trao đổi với phóng viên

Ông Sửu cho biết thêm, huyện luôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để người dân thấy được những hệ lụy này, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp lớn đưa lao động sang các nước có môi trường an toàn để làm việc. Còn những lao động muốn sang Thái Lan, theo thông tin, Việt Nam và Thái Lan đang tiến hành đàm phán liên ngành để sớm ký kết Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về hợp tác lao động.

Theo đó, lao động Việt Nam đăng ký làm việc hợp pháp tại Thái sẽ được bảo đảm quyền lợi chính đáng về mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm y tế...Trong tương lai không xa, Bản ghi nhớ này sẽ giúp những người lao động có nguyện vọng làm việc ở Thái Lan đi theo con đường hợp pháp, nâng cao mức thu nhập và đảm bảo các quyền lợi khác cho bản thân.

Kỳ tiếp: Lao động ‘chui’ sang Thái Lan: Bao giờ mới mở cửa?

Anh Ngọc – Ngọc Tuấn



Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news