Tin mới

"Quan" dự đồng cốt có phù hợp?

Thứ năm, 13/10/2016, 09:34 (GMT+7)

"Lễ bái cầu cúng để cầu tài lộc công danh, thăng quan tiến chức là không phù hợp với đạo đức cán bộ, đảng viên và gây phản cảm trong nhân dân" - GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

"Lễ bái cầu cúng để cầu tài lộc công danh, thăng quan tiến chức là không phù hợp với đạo đức cán bộ, đảng viên và gây phản cảm trong nhân dân" - GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Ngày 9/10, báo điện tử Người tiêu dùng đăng tải thông tin: Vào ngày 1/10, ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã cùng đoàn xe 7 chiếc đến đền Bảo Lộc (tỉnh Nam Định) để hầu đồng và không cho người lạ vào khu vực làm lễ. 

Cụ thể, theo thông tin từ báo này, ông Tác đã làm lễ 190 triệu đồng cầu thăng quan tiến chức. Trong 4 tháng qua, ông Tác cũng từng nhiều lần đi hầu đồng. Đồng thời khẳng định, việc ông Tác đi hầu đồng đã vi phạm quy định 47 về những điều đảng viên không được làm. Một ngày sau khi xuất hiện thông tin về vụ việc, trả lời trên báo Người lao động, ông Tác khẳng định, việc ông và gia đình đi lễ vào ngày mùng 1 Âm lịch như truyền thống và việc gia đình làm lễ cúng cầu an vào ngày thứ 7 là chuyện hết sức bình thường. Còn trong đoạn clip được đăng tải, bản thân ông không hề tham gia hầu đồng mà chỉ đơn thuần là có mặt trong buổi lễ Phả độ gia tiên của đại gia đình.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đảng viên lễ bái cầu thăng tiến là không phù hợp
Hình ảnh trong clip "tố" ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế đi lễ tại đền Bảo Lộc.

 Cùng với đó, sau khi nghiên cứu vụ việc, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ngày 11/10, Bộ Y tế đã ra văn bản (do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký), trong đó nêu rõ: “Việc ông Tác tổ chức lễ tạ tại đền Bảo Lộc, Nam Định thờ Đức thánh Trần là việc của cá nhân, gia đình, không liên quan đến công việc của ngành y tế” Tuy nhiên, ngày 12/10, báo Người tiêu dùng lại đăng tải thông tin "đấu khẩu" với Bộ Y tế, cho rằng, dù là chuyện cá nhân nhưng việc làm của ông Tác có thể ảnh hưởng đến uy tín Bộ Y tế, báo hoàn toàn tôn trọng và sẵn sàng cung cấp bằng chứng cùng những tư liệu hiện có để làm rõ việc ông Phạm Văn Tác có hành lễ cúng bái cầu thăng quan tiến chức hay không, có mê tín dị đoan, suy thoái trong tư tưởng chính trị hay không.

Trao đổi về vấn đề trên, GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc cán bộ, Đảng viên và nhà nghiên cứu văn hóa tham dự lễ hầu đồng để nghiên cứu, tìm hiểu sinh hoạt văn hóa này thì không có vấn đề gì đáng bàn. Bởi hầu đồng là một sinh hoạt văn hóa trong tín ngưỡng của cộng đồng người Việt từ bao đời nay. Tuy nhiên, nếu tốn kém thời gian, tiền bạc vào các hoạt động lễ bái, kể cả không phải dưới hình thức hầu đồng thì cũng không nên.

Thậm chí, cán bộ, đảng viên - những người theo chủ nghĩa Mác - Lê nin - mà lại tin vào chuyện lễ bái cầu cơ để mong tài lộc, thăng quan tiến chức thì lại càng phản cảm.

"Tín ngưỡng vốn được coi là nhu cầu tâm linh bình thường của con người. Quyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan. Lề bái cầu cúng để cầu tài lộc công danh, thăng quan tiến chức là mê tín, dị đoan, không phù hợp với đạo đức cán bộ, đảng viên và gây phản cảm trong nhân dân " - GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết. 

Cũng theo nhận định của GS. Thuyết, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, thời gian qua, không ít cán bộ, Đảng viên, thậm chí các bộ cấp cao khá "tín" và đi lễ một cách khá thường xuyên để cầu thăng quan, cầu bổng lộc. Việc này nêu gương xấu cho xã hội, khiến dư luận xầm xì. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự chấn chỉnh từ phía các cơ quan của Đảng đối với cán bộ, đảng viên để tránh việc sa đà vào các hoạt động mê tín, dị đoan. Lễ bái, cầu cúng tốn kém còn trái với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cụ thể, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào điều lệ, quy chế, quy định của cơ quan, tổ chức; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và thành viên của tổ chức mình phải gương mẫu thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; căn cứ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xem xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thành viên của tổ chức. Cơ quan thông tin đại chúng kịp thời tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lên án, phê phán hành vi lãng phí.

"Bởi vậy, các cơ quan, tổ chức không coi việc cán bộ, Đảng viên thuộc quyền quản lý lễ bái, cầu cúng tốn kém là việc không thuộc trách nhiệm của mình" – GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news