Cán bộ, công chức Nhà nước hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phải có nghĩa vụ thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
Chưa khi nào vấn đề cán bộ, công chức; chất lượng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức lại được nhắc tới nhiều như trong giai đoạn này. Trong nhiều lý do, có sự quyết liệt của người đứng đầu các cấp, ngành chức năng và sự thể hiện thái độ của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân cần có sự thống nhất trong cách thức đề cập, xử lý; cần có những việc làm mang tính tổng thể, hiệu quả rõ rệt, mặc dù quyết tâm hành động của lãnh đạo một số địa phương thời gian qua đã chạm đến một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Ảnh minh họa. |
Còn nhớ, cũng khoảng thời gian này năm 2013, trước tình trạng cán bộ, công chức bỏ bê công việc, la cà quán xá trong giờ hành chính khiến dư luận bức xúc, đích thân Bí thư Tỉnh ủy cùng Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã đến một số quán cà phê để kiểm tra. Kết quả là trong giờ hành chính, nhưng vẫn có tới hàng chục cán bộ đang ngồi uống cà phê.
Những việc làm đó, nhằm mục đích siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng cũng qua đó cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức đủng đỉnh, "sớm không cần, trưa không vội" vẫn đang rất phổ biến. Thế nên mới có câu chuyện về tỷ lệ 30% cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đưa ra. Căn nguyên của nó có nhiều, nhưng chủ yếu khởi phát từ ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và công tác quản lý cán bộ, công chức.
Trước hết phải nói rằng, trong số những cán bộ, công chức bị bắt gặp trong quán ăn sáng, quán cà phê, ở nơi hội hè đang giờ hành chính chưa hẳn nằm trong con số 30%, nhưng dù vì lý do gì thì họ cũng không thể ngụy biện cho việc làm của mình. Bởi một cán bộ, công chức Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phải có nghĩa vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; phải đảm bảo kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật; nội quy, quy định của cơ quan quản lý. Rõ ràng là một bộ phận cán bộ, công chức đang thiếu hụt nghiêm trọng ý thức tổ chức kỷ luật; ý thức trách nhiệm đối với Nhà nước, với nhân dân.
Ở đây, trong những trường hợp này lại đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý. Một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ, công chức làm người dân phiền lòng là thái độ ứng xử của người, cơ quan quản lý đối với cán bộ, công chức. Sự dễ dãi, nể nang, thiếu kiên quyết, thiếu các biện pháp cứng rắn, cụ thể đối với vi phạm của cán bộ, công chức vô hình trung biến cán bộ, công chức thành những con người trì trệ, ỷ lại và nguy hại là vô cảm trước mọi sự vận động của xã hội, vô cảm trước nhân dân.
Trong thực tế cũng có không ít địa phương, không ít ngành ban hành văn bản, chỉ thị hoặc đưa ra những nội quy, quy định nhằm chấn chỉnh, quy chuẩn lại đội ngũ, nhưng vì thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quyết liệt và xử lý vi phạm theo kiểu “nửa vời" nên sự “xộc xệch” của cán bộ, công chức “đâu lại hoàn đấy". Việc làm này đã tạo ra tiền lệ xấu trong đội ngũ cán bộ công chức, làm giảm uy tín người lãnh đạo và giảm tính nghiêm minh của pháp luật trước các vi phạm, sai phạm của cán bộ, công chức.
Trong Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Bộ Nội vụ thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đề cập nhiều nội dung quan trọng. Từ việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức; nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp thi tuyển chức danh lãnh đạo; đến việc giảm số lượng biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; duy trì và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức trong hoạt động công vụ.
Vì thế, để có một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không chỉ kiểm tra những cán bộ, công chức “làm chơi ăn thật” như ở Quảng Bình, Gia Lai; không chỉ lắp đặt hệ thống camera để quản lý giờ giấc, thái độ làm việc của cán bộ, công chức như ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bởi dù có chuyển biến, nhưng nó không bền vững.
Căn cơ là cần có sự thống nhất trong các biện pháp, giải pháp thực hiện; xây dựng ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ, trước nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức; lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức. Đó là "đạo đức công vụ” mà mỗi cán bộ, công chức cần phải có trong nền một nền hành chính phục vụ nhân dân./.
Theo VOV