Mặc dù đạt tổng số 27,5 điểm và thừa so với điểm chuẩn của trường đại học nhưng thí sinh Đặng Thị Huyền (người dân tộc Hoa ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang) vẫn trượt đại học.
Huyền cũng là một trong 102 gương mặt học sinh giỏi người dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh sáng nay, ngày 5/11, tại Hà Nội.
Trượt vì thiếu thông tin
Huyền cho biết, em học lớp 12 Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - cấp 3 Yên Minh (Hà Giang). Năm học 2015-2016, Huyền được chọn dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và đoạt giải ba.
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, em cũng đạt điểm khá cao với 7,5 điểm môn Văn, 7 điểm môn Sử và 9 điểm môn Địa lý.
Tính thêm điểm cộng ưu tiên dành cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, Huyền được 27,5 điểm.
Sau khi nhận giấy báo điểm, em đã làm hồ sơ gửi xét tuyển vào hai trường là Đại học Luật Hà Nội (ngành Luật Kinh tế và Luật) và Đại học Sư phạm Hà Nội (ngành Sư phạm Địa và Việt Nam học).
“Khi đối chiếu điểm chuẩn của các trường, điểm của em đều cao hơn nên em tự tin mình sẽ đỗ. Tuy nhiên, chờ mãi mà không thấy giấy báo trúng tuyển. Thấy các bạn đi học, em rất buồn và nghĩ chắc mình đã trượt rồi,” Huyền rơm rớm nước mắt nói.
Hai bố con thí sinh Đặng Thị Huyền. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Cũng theo cô học trò nhỏ này, nhà em ở cách xa trung tâm huyện nên muốn truy cập Internet em phải mất rất nhiều thời gian để vượt đường rừng ra các quán Internet ở ngoài huyện. Đường đi cũng rất khó khăn.
Theo các cán bộ làm công tác tuyển sinh, trường hợp của Huyền có thể do em đã đỗ nhưng không biết mình có tên trong danh sách thí sinh trúng tuyển và không gửi giấy chứng nhận kết quả thi về trường để xác định việc sẽ theo học.
Trong khi đó, theo quy chế năm nay, trong vòng 5 ngày kể từ khi trường công bố danh sách trúng tuyển trên cổng thông tin điện tử của trường, thí sinh phải gửi giấy chứng nhận kết quả thi về trường. Thời gian gửi giấy trúng tuyển được căn cứ trên dấu bưu điện.
Sau thời gian trên, nếu trường không nhận được giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh thì thí sinh đó sẽ được coi như thí sinh ảo và bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Huyền cho biết em đã không gửi giấy chứng nhận kết quả thi.
Sau khi gửi hồ sơ đi, em có theo dõi điểm chuẩn của các trường bằng việc truy cập Internet thông qua 3G trên điện thoại di động. So điểm chuẩn, em biết mình không đủ điểm chuẩn vào ngành Luật Kinh tế [lấy 28 điểm – PV] nhưng đều dư điểm vào ba ngành còn lại
“Tuy nhiên, do xem trên điện thoại nên em không đọc được danh sách thí sinh trúng tuyển trong file đính kèm. Em cũng không biết quy định thí sinh phải nộp giấy chứng nhận về trường ngay sau khi có điểm chuẩn. Em cứ nghĩ khi nào có giấy trúng tuyển, lên trường nhập học mới phải nộp giấy báo điểm…,” Huyền chia sẻ.
Dù rất buồn việc không đỗ đại học và có thắc mắc vì sao mình trượt đại học, nhưng vốn là một cô học trò miền núi khá nhút nhát, ít thông tin, Huyền đã không chia sẻ hay tìm sự giúp đỡ của thầy cô.
“Em cứ nghĩ mình đoạt giải quốc gia, điểm thi cao mà vẫn trượt, em buồn lắm, bố mẹ em cũng rất buồn. Mấy tháng nay em chẳng dám đi đâu…,” Huyền buồn bã nói.
Viết tâm thư cầu cứu Bộ trưởng
Ngồi cạnh Huyền, ông Đặng Văn Sài, bố em, cũng rơm rớm nước mắt khi kể về con gái mình. Nhà có ba người con nhưng Huyền học giỏi nhất và luôn đạt thành tích cao trong học tập.
“Biết con được giải học sinh giỏi quốc gia, được điểm cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cả nhà cũng rất hy vọng và tin tưởng con sẽ đỗ đại học. Nhưng không hiểu sao con làm hồ sơ xét tuyển đến hai trường mà không đỗ. Nhìn con rầu rĩ, tôi xót xa lắm,” ông Sài chia sẻ.
Cũng theo ông Sài, khi biết tin con sẽ được xuống Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt, ông đã rất mừng.
Theo quy định của ban tổ chức, chỉ Huyền được hưởng chế độ tiền đi lại, ăn, ở, còn người nhà đi cùng sẽ phải tự túc. Vì thế để có tiền làm lộ phí xuống Thủ đô, ông đã phải bán ngô, bán thóc.
“Dù biết là tốn kém nhưng tôi vẫn cố gắng đưa con đi, những mong con sẽ vui vẻ hơn sau khi trượt đại học. Để con đi một mình thì không yên tâm vì cháu chưa bao giờ đi xa như thế,” ông Sài nói.
Để có mặt ở Thủ đô ngày 4/7 cho kịp dự các hoạt động của lễ tuyên dương, bố con ông đã phải bắt xe khách từ chiều ngày 3/7, đi xuyên đêm, đến sáng 4/7 mới tới Hà Nội.
Đây cũng là lần đầu tiên hai bố con rời khỏi làng đến Thủ đô.
“Dự lễ tuyên dương, em vừa vui, vừa tủi thân vì tất cả các bạn ở đây đều đang học đại học, chỉ mình em là trượt,” Huyền buồn rầu nói.
Mong tìm một phép màu, Huyền vừa có thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ để trình bày về hoàn cảnh của mình và mong Bộ trưởng giúp đỡ cho em một cơ hội được vào học.
"Nhân dịp cháu được mời tham dự lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cháu viết thư này mong bác giúp đỡ cháu. Cháu cũng không biết nhờ ai giúp đỡ."
"Cháu xin cầu cứu bác, mong bác tạo điều kiện cho cháu thêm một cơ hội để cháu tiếp tục được theo học và đây cũng là cơ hội học tập duy nhất của cháu bởi gia đình cháu rất khó khăn. Chắc cháu không có cơ hội để năm sau thi tiếp. Mong bác giúp đỡ cháu."
"Nếu cháu tiếp tục được theo học, cháu xin hứa cháu sẽ cố gắng hết sức để trong tương lai cháu có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là tỉnh Hà Giang - một tỉnh nghèo nhất cả nước và gặp rất nhiều khó khăn".
Theo TTXVN