Tôi không dám nhận là người sành cà phê, nhưng chắc chắn là một người mê cà phê, đặc biệt là loại pha phin.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tôi chỉ yêu thế thôi chứ chưa từng nghĩ sẽ viết gì cho đến khi đọc những dòng chia sẻ của “ông Tây gia vị” Didier Corlou người Pháp (bếp trưởng khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi) về cà phê pha phin, tự nhiên thấy mình có ít nhiều đồng cảm với tình yêu cà phê của ông ấy.
Ký ức nóng ấm
Tôi vẫn nhớ như in ngày bé cà phê là một thứ thật quý hiếm. Chỉ 30 tết bố tôi mới “trịnh trọng” đem pha để thức đón giao thừa. Anh em chúng tôi chăm chú ngồi nhìn bố pha chế từng khâu hết sức tỉ mỉ, cẩn thận.
Sự mong chờ háo hức của đám trẻ con được thử thách cùng từng giọt cà phê rơi thật chậm. Cánh mũi phập phồng hít hà hương cà phê tỏa ra ngào ngạt. Nước miếng tứa ra đầu lưỡi khi nghĩ đến cảnh được nhấm vị đắng đắng của cà phê cùng một chút ngọt ngọt của đường (hồi đó cũng là thứ quý). Rồi cuối cùng giây phút mong chờ cũng đến, bố chia ra cho mỗi người nửa chén con uống trà, thế là đủ lắm rồi, chúng tôi nhấm nháp cà phê “nước đầu” chờ giao thừa trong khi chiếc phin đã được châm đầy nước sôi để chuẩn bị cho “nước hai”, “nước ba”…
Tôi không dám đao to búa lớn rằng yêu cà phê phin mới là yêu vẻ đẹp ẩm thực Việt. Nhưng hình như vì quá dựa vào sự tiện lợi mà hương vị cà phê phin rất đặc sắc đang nhạt dần? |
Đúng là miếng ngon nhớ lâu, giờ dù tôi được uống cà phê mỗi ngày, hương vị của những phin cà phê hồi bé vẫn cứ còn mãi trong tâm trí. Tôi hay tự pha cho mình ly cà phê phin loại mộc, không hương liệu, không phụ gia mà anh bạn thân gửi từ Tây nguyên ra. Nếu ai nhìn cái phin pha cà phê của tôi chắc cũng sẽ hơi mất thiện cảm khi nó được quấn quanh bởi mảnh khăn mặt cũ, to sụ và lờm xờm, nhưng được cái giữ nhiệt rất tốt. Cho mấy thìa cà phê vào, khẽ nén để không quá chặt, tôi rót một xíu nước và “ngâm” một lúc, thấy bảo làm thế hạt cà phê sẽ nở ra, để khi châm đầy nước sôi, chất ngon trong cà phê dễ bung ra hơn. Mùa đông, tôi thường ngâm cả cốc thủy tinh hứng cà phê vào một cái bát con đựng nước sôi để giữ nóng. Nhìn từng giọt cà phê rơi, tôi suy ngẫm về đủ chuyện, những kỷ niệm ngày bé, những buổi đợi người yêu, những ý tưởng kịch bản đang bế tắc…
Nhưng cái thú vui đó đòi hỏi thời gian và thật cách rách. Nhiều khi bận quá, tôi đành pha mấy mẻ liền, đựng vào chai rồi cất trong tủ lạnh, để dùng dần. Vậy khá tiện lợi và hình như là cà phê cũng đỡ vị chua chua hay có khi pha uống luôn.
Nỗi nhớ cà phê phin
Những lần đi công tác nước ngoài với tôi thật khổ sở khi không tìm được hương vị cà phê quen thuộc. Cà phê phin ở nhà ngày làm một - hai ly là đã thấy đủ độ. Cà phê pha máy nước bạn bốn năm cốc cũng chẳng xi nhê gì, chỉ thấy bụng óc ách, mà ví lại xẹp vì đắt. Những chuyến công tác dài ngày làm nỗi nhớ cà phê phin nhiều thêm đến mức ra khỏi sân bay là tôi nghĩ tới quán cà phê quen đầu ngõ, về đó làm một cốc cà phê phin cho thỏa, rồi mới kéo vali về nhà.
Thi thoảng đang ngồi làm trên công sở, thấy những đồng nghiệp trẻ chống lại cơn buồn ngủ đầu giờ chiều với những gói cà phê tan rất tiện lợi. Nhanh gọn và sạch sẽ, không lách cách nào phin, nào cốc, nào bát, nào phích hoặc lọ mọ đi đổ bã cà phê và rửa phin (nhất là mùa đông). Tôi cũng đã nhấm nháp thử cà phê này, không quen nên cũng không thích lắm.
Những người yêu cà phê phin một cách hơi cực đoan chắc sẽ coi cà phê tan như một “kẻ ngoại đạo” dám cả gan đi ngang qua “ngôi đền” cà phê phin linh thiêng của mình. Tôi yêu cà phê phin nên cũng phân vân lắm, liệu “bảo thủ” đến cùng với cà phê phin đầy bản sắc, hay rộng mở để hòa cùng xu thế hiện đại của giới trẻ với cà phê tan nhưng dễ dùng? Tôi không dám đao to búa lớn rằng yêu cà phê phin mới là yêu vẻ đẹp ẩm thực Việt. Nhưng hình như vì quá dựa vào sự tiện lợi mà hương vị cà phê phin rất đặc sắc đang nhạt dần?
Về quan điểm, tôi thích sự rộng mở hòa cùng xu thế thời đại, nhưng các giác quan của tôi lại trót yêu cà phê phin mất rồi...
Đinh Tiến Dũng
(Cù Trọng Xoay)