UBND TP.HCM đã đồng ý cho xây dựng dự án đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giấy. Tổng mức đầu tư dự án lên 869 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất trên VnExpress được biết, UBND TP.HCM vừa duyệt báo cáo khả thi dự án xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giấy. Tổng mức đầu tư dự kiến lên 869 tỷ đồng, đã bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, trong đó vốn chủ đầu tư chiếm 15%, còn lại là vốn vay thương mại.
Với tổng số vốn trên, dự án xây dựng bao gồm hai đoạn đường song hành bên phải tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giấy. Đoạn một có điểm đầu là đường Mai Chí Thọ; điểm cuối là đường Đỗ Xuân Hợp, toàn đoạn dài hơn 3km; rộng 20m. Đoạn hai có điểm đầu từ đường D11 và kết thúc tại điểm cuối là Vành đai 2, dài 680m; rộng 14m.
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giấy. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đã trình UBND TP.HCM giao cho đơn vị đầu tư dự án xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc, đến đường Vành đai 2 (nút giao An Phú dọc theo tuyến đường cao tốc Long Thành –Dầu Giấy) theo hình thức BT (đầu tư-chuyển giao), dự kiến thi công công trình trong khoảng thời gian 2 năm, hoàn thành vào năm 2017, thông tin trên VietnamPlus, báo Tuổi trẻ.
Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng hai đoạn đường song hành, các nút giao thông, xây mới 3 cầu trên tuyến đường này, bao gồm Bà Dạt, Mương Kênh và Bà Hiện, tổng chiều dài hơn 500m, sau đó làm đường chui ở dạ cầu Bà Dạt.
Ngoài ra, phía chủ đầu tư cũng yêu cầu thành phố giao các khu đất tái định cư 30ha còn lại của UBND quận 2 trong khu dân cư 90ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú.
Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, dự án này sẽ góp phần giảm ùn tắc và Tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp tăng khả năng khai thác kết nối giao thông khu vực đường cao tốc, đường vành đai 2 và đường Mai Chí Thọ; còn góp phần giảm bớt áp lực giao thông cho tuyến đường Nguyễn Duy Trinh.
Được biết, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giấy dài 55m, có tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng đã được khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015. Dự án này là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án đi vào hoạt động giúp rút ngắn quãng đường từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Đồng Nai. Tuy nhiên, hạn chế tại đây là chỉ có ô tô được lưu thông nên khiến cho việc đi lại của cư dân sống dọc 2 bên tuyến gặp nhiều khó khăn.
Hoài An (tổng hợp)