Tin mới

Đau xót cảnh bố mẹ nghèo xích hai con bị tâm thần suốt 10 năm

Thứ hai, 22/06/2015, 11:24 (GMT+7)

Bà Ý nghẹn ngào: “Phải tách hai đứa ra, chứ ở gần nhau là chúng nó thi nhau gào thét, đập phá, làng xóm không được phút nào yên. Nếu đi làm đồng thì chúng tôi phải xích chân lại, nếu không cháu sẽ phá cửa chạy mất”.

Suốt 10 năm nay, vợ chồng ông bà Ngân chẳng đêm nào được ngủ yên vì hai đứa con bị bệnh tâm thần hoang tưởng thay nhau quậy phá, la hét, hết khóc rồi lại cười.

Gia đình ông Phạm Văn Ngân (Sn 1965), và chị Dương Thị Lý (SN 1966), trú tại thôn 5, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có hoàn cảnh rất thương tâm. Suốt 10 năm qua, ông bà Ngân đã phải xích và nhốt hai con bị tâm thần lại vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chữa trị.

Trao đổi trên tờ Tấm Gương- chuyên trang của báo Tiền Phong, bà Lý cho hay năm 1988 bà xây dựng gia đình với ông Ngân. Sau đó, ông bà sinh được 3 người con khỏe mạnh, 2 trai, 1 gái. Tuy nhiên đến năm 2004, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình bà, khi người con gái đầu lòng Phạm Thị Nguyệt (Sn 1991, lúc đó 14 tuổi) bất ngờ có biểu hiện lạ. Nguyệt bỗng dưng cười nói, nhảy múa suốt ngày, mỗi khi lên cơn, Nguyệt còn đưa tay đấm liên tiếp vào mặt. Đưa Nguyệt đi khám bệnh, ông bà Ngân đau đớn biết tin con gái mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Dù đã được chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của Nguyệt không giảm.

Đau xót cảnh bố mẹ nghèo xích hai con bị tâm thần suốt 10 năm (ảnh Tri Thức Trực Tuyến)

Đến năm 2008, một lần nữa tai họa lại ấp xuống gia đình ông Ngân, khi người con trai út Phạm Văn Hưng (SN 1995) cũng mắc chứng bệnh tâm thần hoang tưởng giống c hị. Hưng cười nói suốt ngày, gào thét đập phá mọi thứ đồ đạc. Thậm chí Hưng còn không chịu mặc quần áo. Quần áo bố mẹ mặc cho, cậu liền xé bỏ.

Vay mượn tiền, đưa hai con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. Đau xót, vợ chồng anh Ngân đưa con về nhà tự chăm sóc. Suốt 10 năm qua, vợ chồng ông bà Ngân chẳng đêm nào được ngủ yên vì hai đứa con bị bệnh tâm thần hoang tưởng thay nhau quậy phá, la hét, hết khóc rồi lại cười. Mỗi khi đi làm, ông bà Ngân đều phải xích và nhốt hai con lại.

Chia sẻ trên Tri Thức Trực Tuyến, bà Ý nghẹn ngào: “Phải tách hai đứa ra, chứ ở gần nhau là chúng nó thi nhau gào thét, đập phá, làng xóm không được phút nào yên. Nếu đi làm đồng thì chúng tôi phải xích chân lại, nếu không cháu sẽ phá cửa chạy mất”.

Hiện hoàn cảnh gia đình ông bà Ngân hết sức khó khăn, số tiền vay mượn để chữa bệnh cho hai con tâm thần đã lên đến vài chục triệu đồng và không có khả năng trả nợ. Cuộc sống của gia đình ông bà Ngân trông chờ vào 3 sào ruộng, cùng với 270 nghìn đồng/ tháng tiền trợ cấp của mỗi cháu.

Theo thông tin chia sẻ trên trang website của Bệnh viện tâm thần Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Quốc Nam, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, hiện nay phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân tâm thần phân liệt là sự phối hợp giữa thuốc chống loạn thần và công tác phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân. 

Các thuốc chống loạn thần cổ điển như như Aminazine , Haldol ...... đã giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh TTPL. Nhờ các thuốc này, ngày nay đa số bệnh nhân TTPL không cần nằm bệnh viện tâm thần lâu dài mà có thể điều trị ngoại trú bằng cách đến lãnh thuốc đều đặn tại các Phòng khám tâm thần quận huyện hay các Trạm y tế phường xã. Họ vừa uống thuốc vừa có thể sống thoải mái trong gia đình và xã hội. Hiện nay đã xuất hiện các thuốc chống loạn thần thuộc thế hệ mới như risperidone, olanzapine ... vừa có hiệu quả hơn mà lại ít tác dụng phụ hơn các thuốc loại cổ điển nên đã góp phần làm bệnh nhân yên tâm điều trị lâu dài.

Việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân bao gồm một loạt các biện pháp nhằm giúp bệnh nhân phục hồi khả năng tiếp xúc với mọi người xung quanh, khả nặng làm việc và học tập. Giúp gia đình bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần cũng như cách điều trị và các tác dụng phụ của thuốc ch ống loạn thần, về cách đối xử thích hợp với bệnh nhân. 

Giúp hàng xóm và mọi người trong xã hội có cái nhìn đúng đắn về loại bệnh này để mọi người chung quanh bệnh nhân thông cảm với bệnh nhân hơn và họ cũng xem bệnh này cũng giống như những loại bệnh cần được điều trị lâu dài khác như bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp .....

Bác sĩ Lê Quốc Nam cũng khuyến cáo, đối với những trường hợp có người thân mắc bệnh tâm thần, thì người nhà không nên xiếng xích, trói hay nhốt bệnh nhân. Không nên cho bệnh nhân tự ngưng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Không nên đưa bệnh nhân đến thầy bùa, thấy pháp vì bệnh tâm thần không phải do yếu tố ma quỷ gây ra. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng không nên tranh luận với bệnh nhân về sự vô lý của hoang tưởng. Những ý nghĩa bệnh lý đo chỉ có thể biến mất đi nhờ thuốc chống loạn thần.

H.Yen (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news