Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá, lại tăng giá. Tăng nhiều, tăng ít và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ được ra đời từ khi khai sinh ra ngành điện nước nhà.
14h30 chiều nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan tới ngành công thương. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn này là việc giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng và tăng mạnh trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn: Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá, lại tăng giá.Tăng nhiều, tăng ít và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ được ra đời từ khi khai sinh ra ngành điện nước nhà.
“Việc tăng giá điện không phải không có lý. Lẽ ra, việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi. Về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ giảm, khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. Điều này đúng với các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Bao giờ lý thuyết đó đúng với ngành điện?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Chung mối quan tâm, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) gửi tới Bộ trưởng Hoàng câu hỏi liên quan đến giá xăng liên tục tăng trong thời gian gần đây và cho rằng việc giá xăng dầu nước ta không theo cơ chế thị trường mà Nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với vận hành của thị trường.
“Bộ Công Thương có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ điều hành giá xăng dầu hiện nay sang cơ chế thị trường như các nước trong khu vực? Khi nào chuyển sang cơ chế thị trường để người tiêu dùng có quyền lựa chọn mua?”, đại biểu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Điện và xăng dầu là 2 loại hàng hóa đặc biệt liên quan mật thiết đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Hai mặt hàng này nhất quán hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.
"Đúng là mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là điện, với trách nhiệm Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì, chúng tôi băn khoăn vì biết rằng việc điều chỉnh giá sẽ tác động tới cuộc sống người dân, nên trong tính toán đã cẩn trọng để giá theo đúng theo thị trường không bù giá và giảm thiểu mức tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân nghèo, thu nhập thấp và nông dân. Vừa qua chúng ta đã làm tương đối tốt việc điều chỉnh giá điện”, Bộ trưởng Công Thương chia sẻ.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn chiều nay. |
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, lần điều chỉnh vừa rồi rất đặc biệt là có ý kiến của cả 4 bộ theo hướng đồng ý.
"Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014 giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Hoàng nói thêm.
Bộ trưởng Hoàng cũng nhấn mạnh: việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước khi các yếu tố đầu vào như tỷ giá, nhiên liệu và kết cấu sản lượng điện có thay đổi thì xem xét để điều chỉnh giá điện. Vừa qua chúng ta đã thực hiện việc điều chỉnh giá theo cơ chế này.
Còn việc điều hành giá xăng dầu hiện nay, theo Bộ trưởng Hoàng, được thực hiện theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm này, việc nhập khẩu, kinh doanh và điều hành giá xăng dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường.
Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công Thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp.
Tuy nhiên, vì giá xăng dầu có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân, nên nhà nước có sử dụng công cụ thuế và quỹ Bình ổn giá để trong trường hợp có tăng giá mặt hàng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.
“Bộ Công Thương nhận trách nhiệm về việc này và xác nhận đúng là giá điện, xăng dầu đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Xác định được điều này, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này chuẩn xác nhất phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo”, Bộ trưởng Công Thương hứa trước Quốc hội.
Bình luận câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Vì thời kỳ bao cấp của chúng ta quá dài, tháo chưa xong nên phải tăng giá cho kịp nhưng không dám tăng thường xuyên, ý Bộ trưởng như vậy chứ gì? Càng theo lộ trình thị trường thì điệp khúc càng dài”.
Chưa hài lòng với phần câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Cương xin chất vấn thêm và đề người đứng đầu ngành Công thương cho biết bao giờ bỏ được độc quyền trong kinh doanh giá điện, vì còn giữ được độc quyền thì giá điện còn tăng mãi.
“Bộ trưởng nói năm 2016 giá điện theo giá thị trường, nếu tới 2016 mà giá điện bỏ được độc quyền thì người dân sẽ rất mừng…”, ông Cương nói.
Đáp lại băn khoăn của đại biểu Cương, Bộ trưởng Hoàng khẳng định: năm 2016 giá điện sẽ theo thị trường nhưng lộ trình giá bán lẻ cạnh tranh đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, năm 2016 thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ 2021 thực hiện bán lẻ điện cạn tranh.
“Tới năm 2016, giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn phù hợp với khả năng của mình”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.
H.M (tổng hợp)