Tin mới

ĐBQH: Cán bộ phường có nguy cơ tham nhũng cao hơn vụ trưởng ở Trung ương

Thứ sáu, 10/11/2017, 09:51 (GMT+7)

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) bày tỏ như vậy và cho rằng một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) bày tỏ như vậy và cho rằng một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ.

Thông tin trên VOVAn ninh thủ đô đăng tải, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vào chiều 9/11, đa số đại biểu (ĐB) cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Ảnh: An ninh thủ đô

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, nội dung của luật này tính khả thi không cao. Nhiều quy định còn đơn giản, chưa thể hiện được quyết tâm chính trị. Đáng nói, phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng nhưng không đưa khu vực tư nhân vào. Trong khi đó, tham nhũng đang có sân sau chính là khu vực tư, nên phải đấu tranh với khu vực này.

Đại biểu cũng chia sẻ, trong khảo sát, lập bản đồ cảm nhận tham nhũng, yếu tố thường được quan tâm là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có chuyện, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ!

ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, ngay cả ở cấp xã.

Đối với việc kê khai tài sản, nhiều cử tri còn đề nghị cần kê khai cả con đã thành niên, người thân tín để phòng ngừa nhìn xa, trông rộng. Người có chức vụ quyền hạn phải kê khai tiếp 5 năm khi về hưu. Vì phòng ngừa, người về hưu trong 5 năm không tham gia lĩnh vực mình công tác nhưng lại có nhà lớn.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cũng băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân của cán bộ. Như vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của lãnh đạo tham gia. Việc này dù có được giải thích thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt. Do đó phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: "Con của cán bộ mới 19 tuổi mà biệt phủ nguy nga thì thật là lạ!"

Trên VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) dẫn trường hợp “biệt phủ” tại TPHCM mà dư luận phản ánh, đồng thời nhấn mạnh: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

ĐB Đào Tú Hoa kiến nghị, cần xây dựng chế độ liêm chính để phòng ngừa tham nhũng, và phạm vi điều chỉnh cần mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước.

Cùng ý kiến với các ĐB nêu trên, ĐB Nguyễn Chiến bày tỏ băn khoăn cho rằng nội dung luật quá ôm đồm, sẽ gây lúng túng trong cơ quan thực hiện quy định của luật này. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Chiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là các cơ quan ngoài nhà nước, nếu cơ quan thanh kiểm tra doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, chỉ khoanh lại người có chức vụ quyền hạn là cán bộ trong nhà nước.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news