Tin mới

ĐBQH: Dù "thu phí" hay "thu giá" đều phải minh bạch, thỏa đáng

Thứ hai, 04/06/2018, 09:39 (GMT+7)

Liên quan đến vấn đề câu chuyện BOT đổi từ "phí" sang "giá", đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ để cách quản lý theo hướng mạch lạc, giá là giá, phí là phí, không thể lẫn lộn hai lĩnh vực với nhau được.

Liên quan đến vấn đề câu chuyện BOT đổi từ "phí" sang "giá", đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ để cách quản lý theo hướng mạch lạc, giá là giá, phí là phí, không thể lẫn lộn hai lĩnh vực với nhau được.

Tin tức trên VTC News đăng tải, sáng nay 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là vị "tư lệnh" ngành đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 5. Xung quanh câu chuyện BOT, những ngày gần đây, người dân đặc biệt quan tâm đến việc chuyển từ “phí” sang “giá”.

Bình luận vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH đoàn Quảng Trị) Đỗ Văn Sinh khẳng định: "Chắc chắn chúng ta cần phải làm rõ, để cách quản lý phải theo hướng rất mạch lạc. Giá là giá, phí là phí, không thể lẫn lộn hai lĩnh vực với nhau được".

Đại biểu Đỗ Văn Sinh

 

Theo ông Sinh, chi phí cho giao thông vẫn là danh mục nhà nước quản lý, do đó nếu muốn tăng phí BOT thì doanh nghiệp (DN) phải xây dựng phương án chứ không thể tăng tùy tiện.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, trước đây đã từng có vụ chuyển từ thu phí sang giá rồi lại phải điều chỉnh, do đó, phải rà soát trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ ở lĩnh vực giao thông. Quan trọng nhất để người dân hiểu được, dù ở hình thức nào thì đó cũng là khoản chi phí mà người sử dụng dịch vụ phải bỏ ra.

“Tên gọi chỉ là tên gọi, quan trọng là chi phí đó người dân thấy thỏa đáng hay không hoặc thu như vậy minh bạch hay không", ông Sinh nhấn mạnh.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng ở đây có vai trò của Nhà nước, khi xác định công trình kết cấu hạ tầng là tài sản công, chúng ta phải quản lý theo trình tự tài sản công. Chính phủ đang làm việc đó. Việc quản lý bắt đầu từ khâu đề ra đến khâu thực hiện, vận hành dự án, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên như tôi vừa nói.

Vị đại biểu Quảng Trị cho rằng khâu đầu vào, tự lựa chọn nhà đầu tư cũng phải đảm bảo minh bạch.

"Rõ ràng câu chuyện này cũng phải hết sức minh bạch. Trước kia có chuyện nhà đầu tư đề xuất ra và chúng ta chỉ định thầu. Bây giờ ai đề xuất cũng được, nhưng phải được cơ quan nhà nước duyệt dự án đầu tư đó và chúng ta tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch.

Về vốn vay, Chính phủ sẽ quy định rất rõ, BOT đầu tư phải có vốn tối thiểu 20% tổng vốn dự án đó, còn trước kia chỉ dưới 15%. Nhà đầu tư phải chứng minh đủ năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật thì mới được triển khai dự án", đại biểu Sinh nêu ý kiến.

Trước đó trên Dân Trí đăng tải, chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội chiều ngày 23/5, ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại cho rằng, việc dư luận phản ứng chuyện Bộ Giao thông Vận tải đổi tên trạm thu phí BOT thành thu giá xuất phát từ nguyên nhân thiếu minh bạch, công khai trong đầu tư BOT. Thu phí hay thu giá thì cơ quan quản lý Nhà nước phải làm rõ, minh bạch, công bằng lợi ích các bên.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng sâu xa của vấn đề BOT không nằm ở từ ngữ

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá.

"Ở đây thực chất doanh nghiệp đóng góp "cổ phần" giá trị con đường chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá được. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định", ông Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì lo ngại, doanh nghiệp được tự định giá khi chuyển từ phí sang giá, sẽ nảy sinh vấn đề. Ông nêu thực tế, nhiều tuyến đường BOT hiện chỉ được làm trên những đường độc đạo hoặc chỉ là sửa chữa trên nền đường cũ của Nhà nước đầu tư. Trường hợp này nếu thu giá sẽ là giá độc quyền.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông về câu chuyện thu phí, thu giá.

"Việc chuyển sang thu giá BOT là đúng theo quy luật thị trường nhưng phải xác định từng dự án cụ thể chứ không phải tất cả đều chuyển sang giá, bởi quá trình hình thành BOT khác nhau, có cái hoàn toàn do tư nhân làm, có cái là Nhà nước thuê theo hợp đồng xây dựng, chuyển giao", ông đề nghị.

Ông Phương cho biết, ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây về cơ sở nào Bộ chuyển từ phí sang giá.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng thì được biết tại nhiều trạm thu phí BOT, chữ "thu phí" đã chuyển thành "thu giá", nhận được sự phản ứng khá gay gắt của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc dùng từ "thu giá" sẽ gây khó hiểu, thậm chí sẽ có người lợi dụng để làm cho sự việc trở nên xấu hơn. Nhiều bình luận cho rằng dùng "thu giá" là đánh tráo khái niệm.

"Tôi cho rằng nên dùng đúng từ "thu phí", vì bản chất là khi anh lưu thông trên con đường đó thì phải trả phí theo đúng quy định của nhà nước”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news