Trước những ý kiến cho rằng, việc buộc thôi học các em vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội có phần quá nặng, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, việc này nên xem lại, bởi việc đuổi học, xử lý các cháu ra khỏi trường có thể gây ra một vấn nạn.
Ngôi trường xảy ra vụ việc.
Liên quan đến vụ 7 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đuổi học, trong đó có 3 em bị đuổi học 1 năm do có hành vi xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội đang gây xôn xao trong dư luận.
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc đuổi học các em học sinh có thể gây ra một vấn nạn. Giáo dục là một quá trình lâu dài, chúng ta phải nghĩ đến tương lai của các cháu.
Quyết định đuổi học của nhà trường.
Trên VOV dẫn lời đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Việc vội vã có những hình thức kỷ luật như thế tôi cho rằng không thích hợp. Tôi không bàn sâu về nguồn cơn, cơ chế hình thành sự việc, bối cảnh, việc đó để cơ quan chức năng xử lý.
Tôi chưa rõ quy chế của nhà trường trong câu chuyện này như thế nào, nhưng nếu đã là quy chế thì phải thực hiện. Tuy nhiên, quy chế mà có những chế tài mang tính tước đoạt quyền học của các cháu thì theo tôi là không nên”.
Trước những ý kiến cho rằng, việc buộc thôi học các em vì nói xấu thầy cô trên một group Facebook nội bộ thì có quá nặng, có đảm bảo mục tiêu giáo dục là giáo dục nhân cách hay không, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, việc này nên xem lại, bởi việc đuổi học, xử lý các cháu ra khỏi trường có thể gây ra một vấn nạn.
"Giáo dục là một quá trình lâu dài, chúng ta phải nghĩ đến tương lai của các cháu, đặc biệt là phản ứng của phụ huynh học sinh.
Chúng ta phải phân tích rõ, có những giải pháp để nâng cao vai trò của giáo dục. Trong giáo dục thì cần phải có giáo dục ý thức pháp luật", ĐB Quốc đặt vấn đề.
Nhìn ở góc độ pháp lý thì bắt nguồn từ việc giáo viên tình cờ phát hiện được việc nói xấu mình sau khi tạm tịch thu điện thoại từ trên lớp. Có ý kiến cho rằng, hành vi của giáo viên có vi phạm quyền riêng tư.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, không nên quá khắt khe với các giáo viên. Việc kiểm soát là cần thiết nhưng vấn đề là cách làm như thế nào. Từ chuyện đó dẫn đến quyết định buộc thôi học là hết sức hệ trọng.
"Chúng ta có thể quy định siết chặt hơn, ngăn chặn những nảy sinh từ việc dùng điện thoại. Ví dụ như cấm dùng điện thoại trong trường, rõ ràng việc sử dụng sẽ làm phân tán sự tập trung của học sinh. Chúng ta phải đi vào giải pháp căn cơ từ bước đầu, nếu không thì không loại trừ phản ứng của xã hội đối với những hành vi vượt quá yêu cầu của giáo dục", ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ trên, ngày 1/11 sau khi nhận được thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã cử đoàn công tác về trường để làm việc.
Theo tin tức trên Lao động, sau quá trình làm việc của tổ công tác, đơn vị này đã yêu cầu trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định kỷ luật đối với 7 học sinh và thông báo cho các em ngày mai đến trường bình thường.
Ngoài ra đơn vị này yêu cầu trường THPT Nguyễn Trãi phải làm báo cáo giải trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc ban hành quyết định kỷ luật với hình thức xử lý không đúng, không hợp tình, hợp lý.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, trong vụ việc này phía trường Nguyễn Trãi đã ban hành kỷ luật quá nặng tay, nóng vội, thiếu cẩn trọng, không mang tính giáo dục. Bên cạnh đó 7 học sinh vi phạm chưa đến mức phải kỷ luật đuổi học một năm.
Đức Hoà (tổng hợp)