Tin mới

ĐBQH: "Hội Thánh Đức Chúa Trời" là thứ quái thai tâm linh, một thứ “bệnh dịch” nguy hiểm

Thứ năm, 03/05/2018, 08:45 (GMT+7)

Bày tỏ quan điểm về “Hội Thánh Đức Chúa Trời” gây nhiễu loạn xã hội trong suốt thời gian qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây không phải là tôn giáo mà chỉ là một tà đạo, là một thứ quái thai về tâm linh, lợi dụng lòng tin của nhiều người nhẹ dạ, cả tin.

Bày tỏ quan điểm về “Hội Thánh Đức Chúa Trời” gây nhiễu loạn xã hội trong suốt thời gian qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây không phải là tôn giáo mà chỉ là một tà đạo, là một thứ quái thai về tâm linh, lợi dụng lòng tin của nhiều người nhẹ dạ, cả tin.

Một buổi sinh hoạt của "Hội Thánh Đức Chúa Trời". Ảnh: TP

Sau phản ánh của một số cơ quan báo chí về hoạt động trái phép của "Hội Thánh Đức Chúa Trời (Đức Chúa trời Mẹ)", cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh việc xử lý một số tụ điểm tập trung tuyên truyền thứ giáo lý quái gở này.

 Phát hiện thêm tụ điểm Hội thánh Đức Chúa Trời có nhiều học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

Nhiều tài liệu thu giữ được trong phòng trọ của nhóm SV tham gia "hội thánh" này tại Nghệ An. Ảnh: Trí thức trẻ

Trước "đại dịch" này, trả lời PV VTC News, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định không tán thành những hoạt động của tổ chức “Hội Thánh Đức Chúa Trời” gây nhiễu loạn xã hội trong suốt thời gian qua.

"Tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời đã hoạt động từ rất lâu mà các cơ quan chức năng đã quá sơ hở, không có biện pháp phòng chống ngăn chặn ngay từ khi phát sinh, khiến nó trở thành một  thứ “bệnh dịch” lây lan, hết sức nguy hiểm.

Đây không phải là tôn giáo mà chỉ là một tà đạo, là một thứ quái thai về tâm linh, lợi dụng lòng tin của nhiều người nhẹ dạ, cả tin", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

Theo lời ĐB Nhưỡng, sở dĩ nó không phải là tôn giáo vì tôn giáo dạy con người ta sống tốt đời đẹp đạo, sống có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, phải nhớ ơn những người đã hy sinh máu xương cho độc lập tự do, cho Tổ quốc theo đúng đạo lí "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn".

"Không có tôn giáo nào dạy con người ta đập phá bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên, từ bỏ ông bà cha mẹ, từ bỏ chồng con, gia đình, cơ quan, trường học...

Tôn giáo thực sự không xui người ta đi nghe giảng đạo ngày qua ngày để rồi mong được lên thiên đàng. Cuộc sống hiện tại còn không tu nhân tích đức thì nói gì đến cuộc sống ở trên thiên đàng. Đó là chuyện hết sức phi lí”, ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Nhận định về tác hại của hội này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “Những môn đồ đi theo giáo phái này đa số đều tan cửa nát nhà, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, sự nghiệp tiêu tan. Nhiều người là sinh viên, trí thức, cán bộ nhà nước... Không hiểu sao nhiều người vẫn nghe và tin theo thứ tà giáo ấy được.

Phải khẳng định đó là sự u mê, nó như một thứ bùa mê thuốc lú gây tác hại rất lớn đến tâm lí, thần kinh của mỗi cá nhân. Những giáo lý, giáo điều của tà đạo này trái với thuần phong mỹ tục, làm đảo lộn các giá trị của dân tộc.

Về hậu quả, có người bảo là chưa có bằng chứng này kia, theo tôi, nói như thế là tắc trách, là chưa hiểu rõ vấn đề.

Có thể, chúng ta chưa nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu buông lỏng quản lý, cứ tiếp tục để thế này thì chính thứ độc hại ấy sẽ đánh trực diện vào những giá trị truyền thống của dân tộc, giết chết tinh thần xã hội”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, các cơ quan chức năng và các lực lượng chuyên trách phải có trách nhiệm vì đã không có biện pháp quản lý, can thiệp sớm khiến nó trở thành “đại dịch”.

“Vấn đề cần phải nói đến ở đây nữa đó chính là quản lý nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, trong công tác an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội chúng ta đã quá sơ hở trong chuyện này.

Lẽ ra ngay từ lúc "hội thánh" này mới manh nha là phải có biện pháp can thiệp. Trước hết, phải tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, tiếp đó phải có biện pháp để ngăn chặn.

Chúng ta đã không có biện pháp gì cho đến khi báo chí và dư luận lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng mới từ từ lên tiếng.

Cần phải đánh giá lại trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên trách về vấn đề này", ĐB Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra bức xúc và yêu cầu cần phải làm rõ hoạt động của tổ chức này.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội một lần nữa khẳng định đây không phải là một tôn giáo. Nếu cho là tôn giáo thì phải đặt câu hỏi là tôn giáo này đã đăng ký và được cấp phép hoạt động chưa, có làm đúng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo không...

Trong khi đó, theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Giảng viên Trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn cũng cho rằng: Hiện tượng "Hội Thánh Đức Chúa Trời" về mặt tôn giáo là một dạng thức biến tướng của phong trào tôn giáo mới.

Nhưng, trong các phong trào tôn giáo mới vô cùng phức tạp và đa dạng, hiện tượng này bộc lộ khuynh hướng nhiều hạn chế về xã hội và đạo đức. Đây là câu chuyện không lạ, nhưng chỉ có điều đáng tiếc là khuynh hướng này, hệ phái này đã bước những bước đáng tiếc ảnh hưởng đến xã hội và đạo đức.

Trên Báo Công an Nhân dân dẫn lời GS Đỗ Quang Hưng cho rằng, cần có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này. Giải pháp thứ nhất là vẫn cần có một nghiên cứu, điều tra đầy đủ hơn, nhận diện thực sự để xem các hiện tượng tôn giáo như báo chí phản ánh có phải là toàn bộ hoạt động của hệ giáo này không, từ đó có kết luận.

Thứ hai là, những biểu hiện tiêu cực là những vấn đề xã hội và đạo đức thì cần phải phê phán, lên án. Các nước khác cũng rất tự do tôn giáo nhưng khi có những ảnh hưởng đến xã hội thì người ta thể hiện thái độ ngay, không chấp nhận.

Ở châu Âu cách đây 7,8 năm đã từng cấm cả những hệ phái nổi tiếng vì có tác động xấu đến xã hội. Tóm lại, các hành vi cực đoan ảnh hưởng đến xã hội và đạo đức thì nhất định phải ngăn chặn và phê phán.

Thứ ba, đối với những "môn đồ" của hệ phái này thì các cơ quan chức năng cần phải có sự lựa chọn những trường hợp tiêu biểu nhất rồi đi sâu tìm hiểu, tiếp cận giải quyết để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải thích cho họ.

Tuy nhiên người tiếp cận, khuyên bảo phải là người có trình độ và chuyên môn nhất định vì những trường hợp này không dễ tác động. Việc làm này phải huy động cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì một cơ quan Công an, mặt trận Tổ quốc hay dân vận…

Thứ tư, đặc biệt đối với kẻ truyền giáo thì chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là các tổ chức đoàn thể phải tiếp xúc và khẳng định rằng đây là giáo phái chưa được công nhận, nhà nước vẫn tôn trọng quyền tự do tôn giáo cá nhân để hoạt động, các vị có quyền thể nhân nhưng chưa có quyền pháp nhân, và phải hoạt động đúng luật pháp.

Hiện nay, các hoạt động đã có biểu hiện vi phạm về phương diện quan hệ xã hội, đạo đức.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news