“Không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục cũng như của xã hội, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hiện tại cũng như phát triển lâu dài của trẻ" – Nữ Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nhấn mạnh.
Quốc hội đưa tin, trong phiên Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng nay (15/11), nhiều nội dung của ngành giáo dục đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tới như triết lý giáo dục, chuẩn giáo viên, xã hội hóa giáo dục, liên thông giữa các cấp học…
Xót xa trước tình trạng trẻ em bị bạo lực |
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho biết, Điều 21 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa hoàn thiện khi chưa đề cập đến yếu tố bảo vệ trẻ mầm non. Điều này quy định, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Nội dung này chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt đối với nhóm trẻ, lớp trẻ độc lập, với các cháu từ 3 tháng đến 3 tuổi.
Bà Yến nhấn mạnh, những năm gần đây, việc bạo lực trẻ em xảy ra trong các cơ sở giáo dục ngày một nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, nhói lòng. Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết sự xót xa và phẫn nộ của xã hội.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) |
“Không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục cũng như của xã hội, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hiện tại cũng như phát triển lâu dài của trẻ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ "bảo vệ" bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để những người làm công tác giáo dục, các cấp chính quyền ý thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ bảo vệ các em trước những nguy cơ bạo lực, xâm hại” – Nữ Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cũng theo bà, giáo dục mầm non cần được ưu tiên các Chính sách đầu tư phát triển ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tế cho thấy, ở những nơi này, tỷ lệ huy động trẻ em đi nhà trẻ rất thấp - chỉ 26,2%, cùng với đó là thiếu giáo viên mầm non, thiếu phòng học.
“Để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết về chính sách phát triển giáo dục mầm non để có thể triển khai ngay khi luật có hiệu lực” - bà Yến đề xuất.
Việc miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi đề cập trong Dự thảo Luật, theo bà Kim Yến là chưa đủ. Bà đề nghị Chính phủ cân nhắc cân đối nguồn lực để có thể mở rộng hơn đối với đối tượng là trẻ em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi.
“Chúng ta hiện nay đang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em miễn phí hoàn toàn bằng thẻ bảo hiểm y tế cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng như không đồng chi trả trong chi phí khám, chữa bệnh trẻ em. Để làm được điều này, đề nghị Ban soạn thảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội nhiều thông tin hơn nữa về các nguồn ngân sách nhà nước phải chi tiêu khi thực hiện từng cấp miễn học phí để có cơ sở cho đại biểu Quốc hội quyết định vấn đề này” – đại biểu Yến kiến nghị.
Trang Vũ (Tổng hợp)