Tin mới

ĐBQH: Mất bao lâu để hết "con đường quá độ" giáo dục?

Thứ tư, 06/06/2018, 09:38 (GMT+7)

"Bộ trưởng từng nói giáo dục của chúng ta đang đi trong con đường quá độ. Vậy, trong đổi mới giáo dục, chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Hiện nay chúng ta đã đi đến đâu của con đường quá độ đổi mới?", Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn.

"Bộ trưởng từng nói giáo dục của chúng ta đang đi trong con đường quá độ. Vậy, trong đổi mới giáo dục, chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Hiện nay chúng ta đã đi đến đâu của con đường quá độ đổi mới?", Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn.

Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm ngay dù chưa nhận được câu chất vấn - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng GD&ĐT và các Đại biểu Quốc hội. Ảnh: báo Tiền Phong

Tiếp tục chương trình chất vấn, trả lời chất vấn. Sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Nhạ có 5 phút báo cáo trước khi bước vào phần chất vấn, trả lời chất vấn. Ông Nhạ cảm ơn Quốc hội đã cho ông được trả lời chất vấn, được nghe các ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội để từ đó hoàn thiện ngành hơn.

Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm ngay dù chưa nhận được câu chất vấn - Ảnh 1.

Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi).

Trước khi phiên chất vấn diễn ra, trong báo cáo gửi các ĐBQH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. 

Theo Bộ trưởng Nhạ, tỉ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam trên dưới 4%. Nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này, tỉ lệ không quá lớn (năm 2017 gần 3% đến 4,5%, chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động). Ông Nhạ cho rằng, đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới.

Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) nêu ý kiến, Bộ trưởng từng nói giáo dục của chúng ta đang đi trong con đường quá độ. Vậy, trong đổi mới giáo dục, chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Hiện nay chúng ta đã đi đến đâu của con đường quá độ đổi mới?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi.

Ông nói, ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Bộ cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được.

"Chúng ta đang ở đâu? Báo cáo đại biểu là chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao", ông Nhạ nêu rõ.

Bộ trưởng bày tỏ việc rất mong cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành.

"Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Nhạ nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) chất vấn về tình trạng tổ chức đối thoại giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh trong nhà trường là giải pháp nâng cao đạo đức học đường, nhưng thực hiện chưa tốt.

"Tới đây Bộ trưởng có chỉ đạo gì để thực hiện tốt công tác này?", bà Thuỷ hỏi.

Trả lời việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc đối thoại rất quan trọng và ông ủng hộ ý kiến này. 

Ông nêu rõ, dân chủ trong trường học vừa qua thực hiện rất thấp, vẫn chủ yếu là giáo viên thể hiện uy quyền. Hiện Bộ đang sửa Thông tư theo hướng tăng cường dân chủ và tin rằng tới đây sẽ có chuyển biến.

Sau khi Bộ trưởng Nhạ trả lời, Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện nay có 9 đại biểu chất vấn, 67 đại biểu chờ chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, 8 đại biểu chờ tranh luận. Như vậy, có trên 80 đại biểu đã đăng ký chất vấn, tranh luận nên hệ thống máy bị treo. 

Do đó, Chủ tịch đề nghị cho điều hành ưu tiên cho người chất vấn muốn tranh luận lại và đặt câu hỏi đúng vấn đề.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news