Tin mới

ĐBQH: Nếu coi mại dâm là nghề thì chắc chắn chị em phụ nữ sẽ phản đối đầu tiên

Thứ ba, 03/04/2018, 11:34 (GMT+7)

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nếu coi mại dâm là một nghề thì chắc chắn không nhận được sự đồng thuận. Khi không có sự đồng thuận chắc chắn dù công nhận là nghề cũng không thể quản lý tốt được.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nếu coi mại dâm là một nghề thì chắc chắn không nhận được sự đồng thuận. Khi không có sự đồng thuận chắc chắn dù công nhận là nghề cũng không thể quản lý tốt được.

Tin tức đăng tải trên Trí Thức Trẻ cho hay, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng trên thế giới đã có những nước công nhận hoạt động mại dâm hay coi đó là một nghề. Có nơi lập khu "phố đèn đỏ" riêng biệt, ví dụ như Thái Lan.

Nhìn nhận ở Việt Nam, ông Hoà cho rằng xuất phát từ truyền thống, văn hóa, đạo lý của dân tộc, dư luận vẫn coi mại dâm là một tệ nạn xã hội, cần ngăn chặn, xử lý. Có đưa ra lấy ý kiến về việc công nhận mại dâm thì chắc chắn, đại đa số người dân chưa thể đồng tình, ủng hộ.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

"Ở đây cần xác định ngoài mại dâm nữ vẫn phổ biến, còn có mại dâm nam cũng phát triển không kém. Những người hoạt động trong lĩnh vực này thường coi đó là công việc mưu sinh, kiếm sống. Thậm chí có người cho rằng đây là nhu cầu, sinh hoạt cần thiết của bản thân... nên chấp nhận làm.

Tuy nhiên, về dư luận xã hội, những người xung quanh cho rằng mại dâm là hoàn toàn trái với thuần phong, đạo đức, văn hóa dân tộc. Nếu coi là một nghề chắc chắn không nhận được sự đồng thuận. Khi không có sự đồng thuận chắc chắn dù công nhận là nghề cũng không thể quản lý tốt được", ông Hòa nêu quan điểm.

Trao đổi cùng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội). Nêu quan điểm về việc có nên coi mại dâm là một nghề hợp pháp, luật sư Trương Anh Tú thẳng thắn cho rằng , nếu mại dâm được hợp pháp hóa chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này.

Luật sư Trương Anh Tú.

“Theo các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên hợp quốc cũng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục” – luật sư Tú nói.

Luật sư Tú cho rằng, để hợp thức hóa mại dâm thì cơ quan chức năng phải sửa các điều luật hay bỏ các điều luật trong Bộ Luật hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm, điều này không khó. “Tuy nhiên, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó lan tràn thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc lại rất lớn”, luật sư Tú phân tích.

Trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Lập - cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Bộ Lao động thương binh và xã hội khẳng định quan điểm của Việt Nam, và cá nhân tôi, cục trưởng, rằng mại dâm không thể là một nghề. Ít nhất là từ nay đến năm 2020 - thời điểm Bộ Lao động, thương binh và xã hội dự kiến trình luật về mại dâm, đây chưa thể coi là một nghề.

Không quản lý được mà công nhận mại dâm là "nghề" thì không nên.

"Xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Mại dâm bị cấm ở hầu hết các quốc gia. Một số chính phủ cho rằng nên "hợp pháp hóa" để dễ kiểm soát, nhưng sau một thời gian đã thấy việc hợp pháp hóa mại dâm không đạt được mục tiêu đề ra mà còn làm vấn đề nghiêm trọng hơn.

Một số nước sau một thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn" - ông Lập chia sẻ.

Trang Vũ (Tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news