Ngày 31/10, Quốc hội sẽ chính thức vào phần chất vấn và trả lời chất vấn. ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng, cách đổi mới chất vấn thể hiện khách quan, đánh thẳng vào vấn đề. Cá nhân ông sẽ chất vấn lời hứa của các Bộ trưởng đã làm đến đâu?
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về hiệu quả cũng như kỳ vọng ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) đã có những nhận định riêng của mình.
Thưa Đại biểu, thời gian qua, trong quá trình tiếp xúc cử tri, đâu là vấn đề nổi cộm mà ông thấy người dân quan tâm nhất?
Trong các buổi tiếp xúc cử tri, về cơ bản người dân vẫn quan tâm đến việc các tư lệnh ngành đã làm những gì để điều hành tốt hơn. Ở Hà Nội, cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường như tại Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên…
Bản thân tôi cũng như nhiều ĐBQH trong kỳ họp lần này sẽ chất vấn các Bộ trưởng về tiến trình thực hiện những lời hứa của mình như thế nào ở các kỳ họp lần trước.
Trải qua 5 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, cử tri phản hồi như thế nào về việc chất vấn cũng như trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành tại nghị trường?
Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm qua, cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trách nhiệm của các tư lệnh ngành. Tất cả chỉ tiêu đều dự kiến đạt và vượt ở cuối nhiệm kỳ.
Quá trình các tư lệnh ngành trả lời chất vấn, đa phần đã đi thẳng vào vấn đề, nhưng cũng có tư lệnh trả lời chưa đáp ứng hết sự quan tâm của cử tri. Lần này, tại các phiên chất vấn, ĐBQH cũng sẽ trở lại những vấn đề mà các vị Bộ trưởng đã trả lời, đã hứa, cam kết thực hiện, để xem kết quả đạt được đến đâu và tiến tới giải pháp căn cơ nào trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo.
ĐBQH Nguyễn Chiến.
Vậy theo ông, việc đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn “hỏi 1 phút trả lời 3 phút” có hiệu ứng thế nào? Ông kỳ vọng gì ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây?
Đối với Thường vụ Quốc hội cũng như đoàn Chủ tịch luôn luôn nghiên cứu hiệu quả của thảo luận, tranh luận tại hội trường, đặc biệt tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Với tinh thần đổi mới như vậy, chắc chắn các phiên chất vấn sẽ đạt được những hiệu quả cao hơn, giúp cho các đại biểu chất vấn nhiều hơn, đi thẳng vào vấn đề và các tư lệnh ngành sẽ trả lời ngay những vấn đề Đại biểu quan tâm.
Quy định hỏi 1 phút, trả lời 3 phút giúp Quốc hội tăng thêm số lượng câu hỏi cũng như tính tranh luận phản biện giữa các Đại biểu và Quốc hội, đồng thời sẽ giúp nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời cũng ngắn gọn, thẳng thắn, dễ hiểu.
Tôi nghĩ rằng, ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây cũng sẽ hiệu quả như vậy.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Chất vấn để tìm sự đồng thuận, giải quyết những tồn tại
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc các ĐBQH chất vấn các vị tư lệnh ngành những vấn đề còn tồn tại thì đó là vấn đề tốt, để cả Quốc hội, Chính phủ nhìn nhận ra những tồn tại của ngành đó, lĩnh vực đó.
“Tôi cho rằng chất vấn không có gì là xung đột, mà chất vấn và trả lời chất vấn là để tìm sự đồng thuận, giải quyết khó khăn, tồn tại, vướng mắc mong mỏi của người dân trông chờ vào Quốc hội, nên chất vấn và trả lời chất vấn không có gì phải lăn tăn”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nói.
Nguyễn Hường - Hoàng Bích