Tin mới

ĐBQH tranh luận gay gắt việc buộc Facebook, Google đặt máy chủ ở Việt Nam

Thứ năm, 23/11/2017, 19:49 (GMT+7)

Thảo luận luật An ninh mạng sáng nay (23/11) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam là trái cam kết quốc tế.

Thảo luận luật An ninh mạng sáng nay (23/11) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam là trái cam kết quốc tế.

Theo tin tức từ Dân Trí, VTC, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường làm rõ những vấn đề liên quan đến Luật An ninh mạng. Phát biểu tại đây, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Thảo luận luật An ninh mạng sáng nay, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An, cho hay yêu cầu này đã được 14 nước như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam. Ảnh Dân Trí

Dẫn nguồn tin từ Vnexpress, đại biểu Cầu khẳng định: "Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được. Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không cho một nước cụ thể".

Ủng hộ quan điểm của ông Cầu, đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc công an Bạc Liêu cho biết, thời gian qua nhiều vụ gây rối làm mất an ninh trật tự ở các địa phương đều có sự tham gia của các trang mạng, do đó việc ban hành Luật an ninh mạng với những quy định như dự thảo hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Theo ông Tới, trên môi trường mạng xã hội do Facebook, Google cung cấp đã và đang có những vi phạm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước, tuy nhiên trong dự Luật chưa quy định các chế tài cụ thể khi đối tác cố tình vi phạm và không chấp hành quy định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) lại cho rằng, "nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi.

Dẫn nguồn tin từ Dân Trí, đại biểu Thúy cho rằng, mạng internet chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Vì vậy, nếu có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường… cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng.

Cũng theo tin tức từ Người Lao Động, tranh luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây như hiện nay, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: Quochoi.

Theo đại biểu Hiếu, để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Chẳng hạn như ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả.

Dẫn số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu tài khoản Facebook - là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới, ông Hiếu đề nghị "cân nhắc yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành dự Luật này".

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news