Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại sự việc cách đây 1 kỳ họp - vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm và cho rằng nên nhìn nhận nó là sự khủng hoảng niềm tin chứ không nên thuần túy gọi là vụ án hình sự.
Vietnamnet và Vnexpress cho hay sáng ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Vietnamnet |
Teho đó, nhắc lại sự việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đại biểu Dương Trung Quốc nói không nên đơn thuần nhìn nhận đây là vụ án hình sự mà phải xem xét dưới góc độ khủng hoảng niềm tin, với vấn đề là các ý kiến, khiếu nại của người dân chưa được quan tâm, xem xét kịp thời nên đã tích tụ trong thời gian dài.
Theo ông Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo phải giải quyết sát sao vụ Đồng Tâm nhưng hơn 2,5 tháng nay người dân Đồng Tâm có kiến nghị về kết luận thanh tra mà Hà Nội đưa ra, hiện chưa cơ quan nào trả lời cụ thể.
Ông cho biết, tại kỳ họp trước đã viết bức thư gửi nhiều vị lãnh đạo liên quan đến vụ việc này và sau đó Thủ tướng có văn bản trả lời. Trong thư, ông có đề cập đến việc các chiến sĩ cảnh sát tinh nhuệ, được đào tạo, được trang bị phương tiện nhưng đã để cho người dân Đồng Tâm giữ lại. "Vì sao như vậy? Câu trả lời duy nhất là các chiến sĩ giữ được phẩm chất của người công an nhân dân, không coi nhân dân là kẻ thù và chấp nhận giải pháp như vậy", ông Quốc nói.
Liên quan đến việc gần đây các cơ quan thực thi pháp luật kêu gọi những người liên quan đến việc giữ cảnh sát ở Đồng Tâm ra đầu thú, ông Dương Trung Quốc bày tỏ suy nghĩ là "dùng chữ đầu thú không ổn".
"Ai cũng có thể hình dung được để bắt và giữ lực lượng đó chắc chắn không phải một vài người, trong đó có phụ nữ, trẻ con... Chúng ta có thể coi đấy là những người phải đầu thú không? Tại sao không xuống với dân, nghe dân, gạn lọc thông tin để xử lý", ông Quốc cho biết.
Tán thành quan điểm thượng tôn pháp luật trong giải quyết vụ việc xong đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần quan tâm đúng mức đến việc củng cố niềm tin bởi vì "pháp luật không phải chỉ có bắt bớ".
"Tại sao không xuống với dân, lắng nghe và gạn lọc thông tin để có bước xử lý. Ngay cả cơ quan pháp luật không phải để bắt bớ mà để củng cố lòng tin".
Ông cũng cho rằng cần phải rút bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải là bài học tiêu cực mà để để không lặp lại như thế nữa "Tôi rất mong cơ quan chức năng trả lời kiến nghị của người dân khi chưa thông kết luận thanh tra”, ông bày tỏ.
Hồng Hạnh (tổng hợp)