Tin mới

Ồ ạt dâng sao giải hạn: "Người dân đang bị lừa gạt, có chùa lợi dụng việc này để ra giá"

Thứ sáu, 15/02/2019, 09:33 (GMT+7)

"Tôi biết có chùa lợi dụng vào việc dâng sao giải hạn này để ra giá, mỗi người tùy theo sao xấu phải nộp từ 200.000 - 300.000 đồng, gia đình mà 5 người nộp 1 - 1,5 triệu...", Đại đức Thích Minh Thành chia sẻ.

"Tôi biết có chùa lợi dụng vào việc dâng sao giải hạn này để ra giá, mỗi người tùy theo sao xấu phải nộp từ 200.000 - 300.000 đồng, gia đình mà 5 người nộp 1 - 1,5 triệu...", Đại đức Thích Minh Thành chia sẻ.

Nhiều năm trở lại đây, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, hành loạt ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội lại tấp nập người đến cúng sao giải hạn, cầu an.

Với tâm lý lo sợ sao xấu chiếu mệnh gây nhiều tai ương, tật ách, hàng nghìn người đội mưa, kê ghế ngồi lòng đường vái vọng vào một số ngôi chùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa dâng sao giải hạn.

Người dân phải ngồi tràn toàn một một làm đường Tây Sơn, chân cầu vượt Ngã Tư Sở hôm mùng 8 Tết Kỷ Hợi. Ảnh: VNE

Những hình ảnh hàng ngàn người dân ngồi la liệt, tràn ra lòng đường, chắp tay vái vọng vào để dâng sớ cúng giải hạn sao đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.

Ngày 14-15/1 âm lịch, chùa Phúc Khánh làm lễ cầu an cho các gia đình, giải hạn sao Thái Bạch. Ảnh: VTV

Trước tình trạng trên, trao đổi với PV Trí thức trẻ, Đại đức Thích Minh Thành (trụ trì chùa Linh Quang, thôn Chương Nghĩa, Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định) cho rằng, thực chất dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật không có.

Nhưng với tâm từ bi của tăng ni thời xưa đã chuyển hóa đưa lễ này vào chùa với mong muốn người dân biết về kính lễ Phật, được nghe giảng giải, bỏ điều xấu, ác, năng làm việc thiện và không làm các khóa lễ lớn, tốn kém bên ngoài.

"Lễ cúng dâng sao giải hạn hay cầu an ở chùa làm đúng thường tùy hỷ của Phật tử tức, ai góp bao nhiêu tiền, vật phẩm thì tùy tâm chứ nhà chùa không bắt buộc phải đóng góp nọ kia.

Sau khi Phật tử tùy tâm đóng góp, nhà chùa sẽ dùng tiền đó mua các con vật để phóng sinh và mua hoa, quả, bánh kẹo dâng Tam bảo, làm cơm chay để mời bà con hưởng lộc sau lễ cúng.

Lễ cúng thực hiện đơn giản nhưng quan trọng hơn là sau đó, cần giảng giải cho Phật tử hiểu về nhân quả, về những đạo lý, chân lý. Từ đó để họ tránh xa những điều xấu, đừng có mê tín, mù mờ mà hãy chăm làm việc thiện đức, theo chánh tín để tìm đường thoát khổ", Đại đức Thích Minh Thành phân tích.

Tuy nhiên, theo Đại đức trụ trì chùa Linh Quang, hiện nay, một số nhà tu hành ở không ít chùa lại không thực hiện theo cách trên mà đang "lạm dụng vào cửa Phật" trong việc dâng sao giải hạn.

"Tôi biết có chùa lợi dụng vào việc dâng sao giải hạn này để ra giá, mỗi người tùy theo sao xấu phải nộp từ 200.000 - 300.000 đồng, gia đình mà 5 người nộp 1 - 1,5 triệu...

Chưa kể, có chùa còn bày ra, khi dâng sao giải hạn, mỗi người phải có 12 quả trứng và sau lễ, họ gom lại hàng nghìn quả trứng đế bán cho các đại lý, nhà hàng. Hay khi cắt sao giải hạn thay vì 36 đồng tiền xu lại dùng 36 đồng tiền giấy với mệnh giá 10, 20, thậm chí 50.000 đồng.

Việc này rõ ràng là có những chùa đang lạm dụng vào đức tin của người dân và làm khổ cho người dân", Đại đức Minh Thành bày tỏ và cảm thấy đau lòng khi "mình sống trên miếng cơm, manh áo của nhân dân, Phật tử nhưng lại đi tạo ra những đau khổ cho họ".

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân trí về hiện tượng người dân đi cúng sao giải hạn đầu năm, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thẳng thắn nói: “người dân đang bị lừa, bị lợi dụng!” vì “thiếu hiểu biết”.

“Trí tuệ phát triển mạnh, tự nhiên sẽ giảm bớt những sai lầm về nhận thức. Tất cả mọi sự ấy, không có trí tuệ thì cái tâm không vững. Tâm không được trí tuệ làm bệ đỡ thì tâm ấy càng phát triển thì càng dễ dẫn đến mê tín dị đoan.

Một đặc điểm khác: con người thiếu sự rèn luyện về tư tưởng thì con người dễ bị hụt hẫng tinh thần. Chính sự hụt hẫng tinh thần ấy, đa số nảy sinh khi điều kiện vật chất ngày càng phát triển, đầy đủ. Nếu không có tinh thần giữ cân bằng, bị hụt hẫng, thì sự hụt hẫng dễ đi tìm sự cân bằng, theo đó dễ bị lừa bịp”, ông nhìn nhận.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này, nhiều kẻ lợi dụng vào hoạt động tín ngưỡng này để trục lợi: “Đó là những kẻ hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng. Trên nền tảng hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng, họ kiếm lợi cho các cá nhân. Chính vì cái lợi cá nhân ấy đã tuyên truyền sai.

Thực sự, đi dâng sao giải hạn thuộc lĩnh vực của đạo giáo, thuộc những con người tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc tôn giáo, không thuộc đạo phật. Không có tôn giáo nào dính đến dâng sao giải hạn. Tất cả những người đi chùa mà dâng sao giải hạn, đứng ở bậc tín ngưỡng là không có lợi gì hết.

Khi chùa nào đưa dâng sao giải hạn vào chùa thì phải xét lại. Nếu nhà chùa đi đúng theo tinh thần của đạo Phật, không làm chuyện đó, thì ai đi dâng sao? Chính là có người lợi dụng biến cửa chùa thành cửa đền, mang tính chất đạo giáo, yếu tố phù thủy...”.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam việc các ngôi chùa tổ chức cúng sao giải hạn là hành động mê tín dị đoan, trái với giáo lý phật giáo.

"Số phận của con người có thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chính mình mà ra.

Do đó, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt và làm việc nghĩa, việc tốt thì tâm mình sẽ an, các ước mơ sẽ thành hiện thực.

Đức Phật đã từng cảnh báo, nếu chỉ có cầu nguyện mà không nỗ lực thực hành thì sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ. Tức là nỗi khổ do thất vọng, bởi những điều cầu nguyện không thành", Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ và khẳng định, chùa của ông và đại đa số các ngôi chùa ở TP.HCM đều không tổ chức việc dâng sao giải hạn dịp đầu năm mà chỉ tổ chức các lễ cúng cầu an.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news