"Đi giám sát mà dê cấp cho người nghèo đi lạc vào nhà bí thư lại không biết, tiền cho người nghèo lại chia hết cho cán bộ xã cũng không biết, thì rất gay", đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu.
Chiều 21/10, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung trong dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ví von "luật như tấm vải đẹp", nhưng khi may "trở thành quần áo xấu hay đẹp do người thợ may" với ngụ ý việc giám sát hiệu quả thì chủ thể giám sát phải có trách nhiệm giám sát khách quan, nghiêm túc và phải quy định trách nhiệm của chủ thể giám sát.
“Luật cần quan tâm, nếu làm luật tốt thì như tấm vải đẹp nhưng ông thợ may cắt, vải xấu cắt đẹp thì mặc đẹp, còn vải đẹp cắt xấu mặc vẫn xấu. Cần làm rõ trách nhiệm chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Đến chào các bác đi về, có đoàn hiệu quả nhưng có đoàn kéo đến đông nghe báo cáo qua loa, không đi thực tiễn, liên hoan xong rồi về”, ông Thuyền nói.
Liên hệ thực tế, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã nêu thực trạng nhiều đoàn giám sát "kéo đi rất đông" nhưng chỉ nghe báo cáo qua loa rồi về mà không đi thực tế.
"Đi giám sát mà dê cấp cho người nghèo đi lạc vào nhà bí thư lại không biết, tiền cho người nghèo lại chia hết cho cán bộ xã cũng không biết, thì rất gay", ông Bá Thuyền bức xúc.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền |
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) nhận định, công tác giám sát hiện nay "chỉ mới nghe ngóng, chưa vào trong chăn để biết có rận" và đề nghị bổ sung phương thức giám sát chuyên đề như: nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu, gặp hỏi những người có liên quan, nhất là những người hay khiếu nại tố cáo, trực tiếp xem xét thực địa...
ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Phó đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Anh Sơn cũng bày tỏ sự không hài lòng với cảnh "đoàn đến rồi đoàn lại đi; địa phương chẳng chuyển biến gì, không sao".
Phó đoàn ĐBQH Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cũng cho rằng, lâu nay công tác giám sát ở các địa phương chủ yếu "về làm việc êm đẹp, ra về may mắn thế là thành công". Để tạo chuyển biến trong công tác giám sát cần có quy định để cá nhân hóa các hạn chế yếu kém phát hiện qua giám sát.
Như tin tức đã đưa, sáng 20/10, Kỳ họp thứ 10 QH khóa 13 đã họp phiên khai mạc.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra 5 trọng trách nặng nề của các đại biểu trong kỳ họp lần này.
Thứ nhất, kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết, cho ý kiến 8 dự luật khác.
Thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 và ban hành Nghị quyết về các nội dung này.
Thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng chống tham nhũng 2015, giám sát tối cao thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiên nghị cử tri và kết quả giám sát thực hiện giải quyết kiến nghị gửi đến kỳ họp lần thứ 9. Xem xét báo cáo Chính phủ, các bộ trưởng về thực hiện Nghị quyết về giám sát chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thứ tư là Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp năm 2016 – 2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn Phó Chủ tịch, ủy viên hội đồng, bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Nhóm công việc cuối cùng là Quốc hội sẽ góp ý kiến dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
H.Minh (tổng hợp)