Tin mới

Đề nghị đấu giá biển số xe 'ngũ linh' giá 1 tỉ đồng

Thứ năm, 10/11/2016, 16:38 (GMT+7)

- Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói đấu giá các số đẹp để lấy tiền cho ngân sách: “Nếu số tứ quý trị giá 700 triệu, thì số ngũ linh có thể trị giá 1 tỉ đồng/số. Ngân sách nhà nước sẽ thu được hàng trăm tỉ đồng”
Thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 10-11, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất đưa số điện thoại, số xe phát sinh sau ngày Luật này có hiệu lực vào kho số và trở thành tài sản công.
Ông Cảnh nói: “Trong khi ngân sách đang khó khăn, việc huy động vốn trong dân cũng còn nhiều vấn đề, thì việc đấu giá số xe, số điện thoại là điều nên làm. Nếu triển khai ngân sách sẽ thu được cả triệu tỉ đồng”.
Ông Cảnh cũng thông tin rằng: việc đấu giá, sử dụng biển số xe có chủ trương từ 2009, nhưng chưa được thực hiện. Ông Cảnh đề nghị nên đưa nội dung này vào luật.
Dẫn chứng thực tế, ông Cảnh kể: Ở Nghệ An từng đấu giá số điện thoại có 8 số 8 (88888888) của Viettel được hơn 1,4 tỉ đồng. “Số tiền này có thể mổ tim cho nhiều trẻ em mắc bệnh tim”, ông Cảnh nói.
Nói về triển vọng thu ngân sách từ biển số xe, ông Cảnh nói, số lượng xe ôtô tăng trưởng sẽ rất lớn. Dự kiến giai đoạn 2018-2020 sẽ tăng thêm 1,2 triệu xe. Nếu thu 25 triệu/biển số, thì số thu cho ngân sách sẽ rất lớn. Nếu tính thêm cả biển số xe máy thì số thu có thể còn nhiều hơn.
Theo ông Cảnh, phải tùy vào sở thích của người dân để phân loại các loại số đẹp thành ba loại. Loại thứ nhất bao gồm số ngũ linh, tứ quý, số gánh… Loại thứ hai là số trùng với ngày sinh, ngày cưới của vợ, chồng. Loại thứ ba là loại số ngẫu nhiên thì không thu phí.
“Nếu số tứ quý trị giá 700 triệu, thì số ngũ linh có thể trị giá 1 tỷ đồng/số. Ngân sách nhà nước sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng”, ông Cảnh kết luận.

 

 

Chiều nay (10/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Văn Cảnh – Bình Định bày tỏ quan tâm đến quy định việc công khai thông tin tài sản công. Theo quy định, các hình thức công khai gồm đăng tải trên trang thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các kỳ họp… Tuy nhiên, ĐB tỉnh Bình Định cho rằng như thế chưa đảm bảo giám sát thường xuyên của người dân, đề nghị bổ sung một hình thức công khai tài sản công là công khai chính tài sản công đó, gồm thông tin cơ bản như cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao tài sản công, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng. Giao Chính phủ quy định các loại tài sản công phải công khai theo hình thức này.
“Ví dụ đối với xe công thì sẽ dán nhãn có thông tin tên cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay riêng, thời gian sử dụng xe… Quy định như vậy để chúng ta đánh giá lại việc sử dụng xe công còn lãng phí do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hay do đúng tiêu chuẩn mà không đúng mục đích? Để từ đó quyết định nên điều chỉnh tiêu chuẩn sử dụng xe công trước hay điều chỉnh mục đích sử dụng xe trước” – ông Cảnh dẫn chứng.
Đặc biệt, ĐB này cũng đề cập đến một loại tài nguyên có thể khai thác được ngay, được coi là tài sản công, đó là biển số xe và số điện thoại đẹp.
“Theo tôi thực hiện đấu giá và cấp số xe, số điện thoại theo yêu cầu là tốt vì đây là nhu cầu có thực của dân, số tiền thu được sẽ không nhỏ, Nhà nước phải trả lãi hay vốn. Qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, thông tin về đấu giá biển số xe, số điện thoại, tôi ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho số xe, số điện thoại có thể lên tới cả triệu tỷ đồng. Nếu được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 khi Luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100 nghìn tỷ đồng, tuỳ thuộc vào việc mở kho số của các Bộ, ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân trong từng thời kỳ” – ông Cảnh khẳng định.
Ông Cảnh cho rằng, năm 2009, Chính phủ có công văn giao các Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá quyên sử dụng biển số nhưng đến nay chưa thực hiện, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân do chưa có luật này quy định việc đấu giá sử dụng biển số xe, nếu lần này luật không quy định cụ thể thì việc tạo nguồn thu cho ngân sách từ con số này rất khó thực hiện.
“Năm 2008, Nghệ An thực hiện thí điểm việc đấu giá một biển số xe tứ quý 9 với giá 700 triệu đồng, tương đương với xây 17 căn nhà cho người có công với cách mạng. Tháng 10 vừa qua, 1 số điện thoại 6 số 8 của Viettel đã bán đấu giá được 1,6 tỷ, tương đương với chi phí phẫu thuật cho hơn 40 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh…” – ông Cảnh dẫn chứng.
Theo vị ĐB tỉnh Bình Định, dự tính số xe ô tô bán trong năm 2016 là khoảng 300 nghìn chiếc, tăng trưởng thị trường ô tô 2012-2016 là trên 30%, nếu chỉ tính giai đoạn 2017-2020 là 25% thì trong 3 năm 2018-2020 chúng ta có thêm 1,8 triệu xe ô tô. Nếu bình quân biển số đẹp đấu giá, biển số cấp theo yêu cầu là 25 triệu đồng/biển số thì 3 năm 2018-2020 chúng ta có thể thu cho ngân sách 45 nghìn tỷ.
Với lượng xe máy bán ra là hơn 2,8 triệu trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng 8% thì chúng ta có thể thu tiền từ biển số xe máy có thể lớn hơn thu được từ ô tô.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news