Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, Xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Trên Người lao động dẫn lời ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014. Loại đèn được bật vào ban ngày gọi là Daytime Running Light (DRL - khác với đèn pha, cos) nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường, đặc biệt tại các nước châu Âu có nhiều sương mù...
Nhiều người cho rằng việc bật đèn chiếu sáng khi ra đường vào ban ngày là không hợp lý. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề xuất này không phù hợp với điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Đề xuất này chủ yếu dựa theo tiêu chuẩn của các nước châu Âu - nơi mà ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Trong khi đó, Việt Nam lại là một nước có môi trường khí hậu gió mùa nhiệt đới, ban ngày nắng nóng, điều kiện ánh sáng, tầm nhìn tốt, nay lại bật đèn xe cả ngày khiến nhiệt độ môi trường tăng thêm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu bật đèn cả ngày thì tuổi thọ của bình ắc quy, bóng đèn sẽ giảm đi, tăng chi phí cho người dân. "Chắc chắn có người đặt câu hỏi quy định này có lợi ích nhóm với nhà sản xuất bình ắc quy, bóng đèn không? Bộ GTVT khi đưa ra một quy định cần xem xét có phù hợp với tình hình thực tiễn và đời sống sinh hoạt của người dân không, có phù hợp với lòng dân không, không phải áp đặt ý chủ quan của mình. Tóm lại, đây là quy định phi lý…", trên PLO dẫn lời TS luật Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Dân sự - ĐH Luật TP.HCM nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng không nên đưa đề xuất này vào luật. Theo ông Nghĩa, ở Việt Nam, loại phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy, vì vậy việc sử dụng đèn ban ngày, đặc biệt đèn pha, vào xe hơi, xe gắn máy lại mang tiềm ẩn sự bực tức của người tham gia giao thông.
Nguy cơ tai nạn nhiều hơn. Ngoài ra, nhiều loại xe máy có chiều cao khác nhau, có những loại xe cao như Honda SH khi bật đèn là chiếu thẳng vào mắt, vào tầm nhìn của xe thấp hơn cũng là nguy cơ xảy ra tai nạn. Hiện người dân còn chưa chú trọng sử dụng đèn trong khi di chuyển, như thay vì bật đèn gần (đèn cốt) thì người lái xe lại sử dụng đèn xa (đèn pha).
Chưa kể, nếu áp dụng quy định này thì nguy cơ chủ xe 'độ' đèn tăng độ sáng rất cao. Những loại đèn 'độ' sáng sẽ khiến nguy cơ về TNGT tăng lên, còn gây tình trạng xe dễ bị cháy, nổ.