Bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh |
Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: Giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình gồm: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Dự thảo bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho răng chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh. Vì đây là tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng xét về mặt chính trị.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho biết, đề xuất giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng dự án luật.
Theo nghị trình, ngày 16/6 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
K. Duy