Trong buổi góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chiều ngày 25/8, một số đại biểu đề nghị bỏ tội danh đánh bạc.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào có thể bị xử thì cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù.
Một số đại biểu đề nghị bỏ tội danh đánh bạc. Ảnh Internet |
"Có tiền thì đánh"
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) góp ý: Nên bỏ tội danh đánh bạc, chỉ giữ lại tội tổ chức đánh bạc. "Đánh bạc có từ lâu đời rồi, người ta tự nguyện, có tiền thì đánh, không nên tư duy là sợ đánh bạc dẫn đến tội phạm khác, mà phải quản lý cho chặt thôi".
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đồng tình vời đề xuất bỏ tội này vì theo ông, tội đánh bạc được quy định trong luật từ rất lâu nhưng thực tế xử lý rất yếu. Giờ đi bất kỳ ở đâu, cơ quan nhà nước đến đền chùa miếu mạo thì đều có đánh bạc, đặc biệt là dịp hội hè, lễ Tết, nhưng chỉ bắt được một số vụ nhưng tính giáo dục không hiệu quả.
Đại biểu Thường đặt vấn đề: “Xổ số cũng là đánh bạc, tại sao không tổ chức cho dân chơi cho hợp lý và quản lý được?”.
Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) cũng đề nghị nên bỏ tội này vì cái mất nhiều hơn cái được. “Ta cho người nước ngoài đánh, chỉ là chưa cho người Việt Nam đánh thôi. Rồi thực tế chơi xổ số, lô tô cũng là hình thức đánh bạc. Đánh bạc xưa nay vẫn diễn ra, có khi chỉ là đánh chơi”.
Một số tội danh khác cũng được đề xuất bỏ, như tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, tội tổ chức tảo hôn, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội lây truyền HIV cho người khác vì HIV đang tiến tới chữa được.
"Tử hình tác dụng răn đe không nhiều"
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhận được rất nhiều ý kiến từ các Đại biểu về việc quy định bỏ hình phạt tử hình ở 7/22 tội danh.
Ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ án tử hình, ĐB Trần Văn Độ (đoàn Đại biểu An Giang, nguyên Phó chánh án TAND tối cao) cho rằng: “Trên góc độ của người nghiên cứu luật hình sự nhiều năm tôi cho rằng không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm. Tử hình không răn đe được, tác dụng răn đe không nhiều. Thực tế khi chúng tôi đi xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình, hỏi bị cáo phạm tội giết người có nghĩ đến án tử hình khi gây án không thì bị cáo đáp lúc ấy điên lên không nghĩ cái gì cả. Một số tội phạm ma túy thì nói mua bán 100 gr heroin cũng án dựa cột rồi nên 1 kg hay 10 kg cũng vậy nên cứ thế mà phạm tội”.
Theo Đại biểu Độ, các tội phạm lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, tham ô từ trước đến nay xử lý được rất ít, hầu như chưa tử hình được ai nên có quy định tử hình thì cũng không hiệu quả.
Trái ngược với quan điểm trên, Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) lại cho rằng, tham nhũng làm lũng đoạn đất nước, nếu bỏ án tử hình với tham nhũng, xã hội tất loạn. “Chúng ta cần tiền, rất nhiều tiền nhưng không vì thế mà đánh mất đi niềm tin của người dân vào cơ quan thực thi pháp luật”.
Ngoài ra theo Đại biểu Niễn, quy định về không thi hành hình phạt tử hình đối với các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả hành vi phạm tội được nhiều ĐB thảo luận. “Điều này sẽ tạo kẽ hở để tội phạm tham nhũng lợi dụng dùng tiền để đổi mạng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng bỏ hình phạt tử hình với 7/22 tội là “hơi nhiều”, cần cân nhắc giữ lại một số tội vẫn phải chịu án tử hình để tăng sức răn đe, tùy theo tình hình tội phạm sau này mà từng bước giảm đi.
K. Duy (tổng hợp)