"Hiện nay, bảng chữ cái và sách vở của chúng ta đã được in, sử dụng phổ biến, rất nhiều như vậy mà đề xuất thay như thế sẽ rất rắc rối, không có lợi", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Mới đây, đề xuất cải tiến bảng chữ cái, cách viết tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) trong cuốn sách vừa xuất bản đã gây nhiều tranh cãi.
Trao đổi với PV vào sáng 25/11, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trước đây đã có nhiều ý kiến đề xuất cải tiến tiếng Việt nhưng đều không thể thực hiện do nhiều lý do khác nhau.
Với đề xuất của PGS Bùi Hiền, GS Hạc cho rằng, việc này sẽ không thực hiện được và ông không muốn đưa ra bình luận thêm.
Ví dụ PGS.TS Bùi Hiền đưa ra về cách cải tiến tiếng Việt. |
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ, mọi ý kiến của các nhà khoa học khi đưa ra đều cần được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học.
Với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, cá nhân ông Nhĩ thấy có nhiều điểm không hợp lý, dễ gây ra các rắc rối.
"Hiện nay, bảng chữ cái và sách vở của chúng ta đã được in, sử dụng phổ biến, rất nhiều như vậy mà đề xuất thay như thế sẽ rất rắc rối, không có lợi", PGS Nhĩ nêu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, dù ý kiến có thể chưa hợp lý nhưng dư luận không nên có những lời lẽ mắng, thóa mạ, mạt sát, xúc phạm đến cá nhân, danh dự của nhà khoa học. Bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng không tốt và không đúng với tính chất khoa học.
Một chuyên gia ngôn ngữ học tham dự Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc 2017 tại ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9/2017 cho biết, khi ý kiến đề xuất của PGS Hiền được đưa ra, đã có nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình trong đó có cá nhân ông.
"Tôi không muốn bình luận thêm về việc này bởi nếu có ý kiến tôi đã nêu tại Hội thảo rồi còn là nhà nghiên cứu lý luận tôi không đồng tình với đề xuất của thầy Hiền và việc thực hiện cũng không thể", chuyên gia này nói.
Đứng đưới góc độ giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ, thật ra, nếu nhìn nhận nghiêm túc thì Tiếng Việt có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay.
Những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng Ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, gi/r/d, ng/ngh...
Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen thành chuẩn mực chính tả phổ thông...
Và đó là điều khó khăn khi người nước ngoài học tiếng Việt, khi họ không thể giải thích bằng cơ sở khoa học mang tính logic mà chỉ chấp nhận như một qui ước mặc định. Ví dụ nhiều học viên thắc mắc về cách viết và cách đọc chữ "gì"...
"Bất hợp lý luôn tiềm tàng nhu cầu thay đổi để giảm thiểu tiến tới xoá bỏ nó, để dần mang tới tính khoa học, thẩm mỹ cho tiếng Việt và sự thay đổi thói quen đã hình thành hàng trăm năm là điều cực kì khó khăn.
Khó từ phương án thay đổi tới vấn đề giải quyết những hệ lụy cũ trong các văn bản hàng trăm năm nay, đặc biệt là khó khăn trong tâm thế tiếp nhận của cộng đồng.
Vậy vấn đề đặt ra là phải tìm phương án tốt nhất cho sự thay đổi, phương án ấy vừa khoa học, hợp lý, không thay đổi quá nhiều những yếu tố có sẵn, tránh gây sốc cho cộng đồng", TS Tuyết chỉ rõ.
TS Tuyết phân tích thêm: "Phương án do PGS Bùi Hiền đề xuất có quá nhiều sự thay đổi chưa thuyết phục được người sử dụng tiếng Việt, cũng là chủ nhân đích thực của tài sản tinh thần quý giá của cộng đồng nên gây phản ứng là dễ hiểu.
Tiếng nói có trước, chữ viết có sau để ghi âm tiếng nói nên chữ phải thể hiện được đầy đủ các sắc độ tinh tế của tiếng nói, không thể xoá nhòa, đồng nhất các sắc độ đó và thay đổi chính âm khi buộc người sử dụng ngôn ngữ chạy theo chính tả khi đồng nhất x/s; ch/tr; r/d...
Sự thay đổi theo phương án này cũng liên quan tới việc thiết lập lại hệ thống kí tự và dấu tiếng Việt trên máy tính, đặc biệt làm phương hại khá nhiều tính thẩm mỹ của chính tả tiếng Việt".
Những đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là bài viết của ông đăng trên cuốn kỷ yếu "Ngôn ngữ ở Việt Nam- Hội nhập và phát triển" dày 2.200 trang do Hội Ngôn ngữ học TP HCM tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn hồi cuối tháng 9.
Những cơ sở mà PGS.TS Bùi Hiền đưa ra cho việc cải tiến tiếng Việt là từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ thì đến nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để dễ sử dụng.
Những đề xuất thay đổi là thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Như vậy cụm từ "Luật giáo dục" nếu theo đề xuất của ông Hiền sẽ thay đổi thành: Luật záo zụk, quốc ca sẽ thành...cuốc ca, ngoại ngữ sẽ thành quại qữ…