Theo nghiên cứu, việc dùng điện thoại khi đang lái ô tô có khả năng gây Tai nạn giao thông nhiều hơn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại di động cầm tay khi điều khiển phương tiện giao thông.
Theo Vnexpress và VTV, sáng 16/1, Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức đã công bố các nghiên cứu về hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông ở Việt Nam.
Theo đó, nhóm đã thực hiện quan sát trên 210.000 người điều khiển phương tiện có hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe tại 9 địa điểm ở TP HCM và Bình Dương.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hàng ngày cao nhất rơi vào nhóm lái xe tải (50%), tiếp đến là lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và thấp nhất là nhóm lái xe máy (8%).
Đề xuất cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Ảnh: Internet |
Hình thức sử dụng phổ biến là gọi điện thoại dạng cầm tay và nhắn tin, có rất ít người gọi điện thoại dạng rảnh tay (handsfree). Người điều khiển xe đạp điện có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao gấp khoảng 32-38 lần so với người đi xe máy và xe đạp.
Đường nông thôn có tỷ lệ người vi phạm cao nhất (khoảng 11 xe vi phạm trên mỗi 1.000 xe quan sát được).
Nghiên cứu cũng cho thấy, sử dụng điện thoại khi lái ô tô có nguy cơ xảy ra tai nạn cao gấp 3 lần so với không sử dụng. Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng không cấm sử dụng điện thoại trên ô tô, mà mới chỉ cấm với người đi xe máy. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất nên cấm sử dụng điện thoại di động, theo hình thức cầm tay, đối với tất cả các loại xe.
"Qua nghiên cứu này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ chuyển kết quả nghiên cứu tới các cơ quan có liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp, bao gồm hoàn thiện quy định pháp luật, tuyên truyền giáo dục và kiểm tra giám sát, cưỡng chế thực thi", Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông cho hay.
Lê Vy (tổng hợp)