Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng lương hưu trí 20 năm là quá dài. Do đó, tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất cải cách xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm.
Theo Thanh niên, Tuổi Trẻ và Tri Thức Trực Tuyến, ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo quốc tế về cải cách Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho VN.
Lãnh đạo Vụ BHXH nhìn nhận hiện nay Việt Nam đang có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hàng tháng. Đến năm 2030, dự kiến có thêm 5,4 triệu người hưởng lương từ quỹ. Đến năm 2050, sẽ có thêm 10 triệu người nữa.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Tổ chức lao động quốc tế trao đổi bên lề hội thảo về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sáng 29/11. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 57 tuổi nhưng thực tế là 54 tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình khoảng 78 tuổi. Do đó, thời gian hưởng khoảng 25 năm, trong khi thời gian đóng chỉ khoảng 28 năm.
Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ BHXH. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước tồn tại thực tế người đóng BHXH ít lại được hưởng nhiều lương hưu.
Tại hội thảo, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), băn khoăn: “Trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng cho Quỹ BHXH. Tính trung bình, thời gian hưởng lương hưu là 24,7 năm (nam là 22,5 năm, nữ là 26,9 năm).
Thời gian đóng bình quân là 28 năm với tỷ lệ 21%, trong khi thời gian hưởng là 24,7 năm với tỷ lệ hưởng là 70,2%. Nguyên tắc định phí BHXH để hưởng 20 năm phải đóng 40 năm. Trong khi tiền đóng BHXH trong 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 8 năm. Vậy ai sẽ chịu “gánh nặng” khi thời gian hưởng trung bình là 24,7 năm?”.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay một trong những giải pháp đã được đưa ra để đảm bảo cân đối quỹ là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để thu hút người lao động tham BHXH, ông Sơn đề xuất: “Nguyện vọng của người lao động khi đóng BHXH là về sau có lương hưu hằng tháng, nhưng quy định hiện nay thời gian đóng quá dài, quá xa khiến người lao động không tiếp cận được. Cần giảm thời gian hưởng tối đa xuống để người lao động tiếp cận với chính sách”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội (Viện Khoa học BHXH), cho rằng nên thiết kế chính sách BHXH theo chế độ ngắn hạn và dài hạn, có tính chất linh hoạt cao để người lao động lựa chọn. Ông Nguyễn Trường Giang thừa nhận quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng lương hưu trí 20 năm là quá dài. Do đó, tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất cải cách xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công) cũng thừa nhận không có nước nào trên thế giới mà người tham gia BHXH đóng ít mà lại hưởng nhiều như ở Việt Nam.
Ông nhấn mạnh cần tuân thủ nguyên tắc tối cao đóng - hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nhưng cũng cần có sự chia sẻ. Sự chia sẻ của số đông với số ít, thế hệ này, thế hệ khác…
Cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 20-30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách. Phó thủ tướng lấy ví dụ việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh.
Nói về các giải pháp cải cách chính sách cũng như mở rộng đối tượng, mở rộng quỹ BHXH, Phó thủ tướng nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển kinh tế.
Lê Vy (tổng hợp)