Tin mới

Đề xuất làm 1.372 km cao tốc Bắc Nam liệu có khả thi?

Thứ sáu, 07/10/2016, 22:26 (GMT+7)

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dài 1.372 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng vừa được Bộ Giao thông trình Chính phủ phê duyệt.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dài 1.372 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng vừa được Bộ Giao thông trình Chính phủ phê duyệt, nhưng đã bị Bộ Tài chính từ chối, vì vốn lớn, nguồn không phù hợp và nhiều điểm chưa rõ.

Nếu cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, cả nước sẽ có 2.600 km đường cao tốc, (trong ảnh là một đoạn trong tuyến cao tốc TP. HCM-Long Thành-Dầu Giây). Ảnh: mt.gov

Theo thông tiên trên Báo Giao thông, VnEpress, Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT dự kiến vốn nhà đầu tư huy động chiếm 59,3% (139.282 tỷ đồng), vốn Nhà nước tham gia đầu tư chiếm 40,7% (93.544 tỷ đồng).

Thời điểm hiện tại ngành giao thông đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020. 

Theo Tờ trình của Bộ Giao thông, tuyến đường được thiết kế tốc độ cao nhất 100 - 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h.

Để triển khai đề án, sẽ phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm. 

Muốn dự án khả thi về mặt tài chính, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho biết, bắt buộc phải có phần hỗ trợ của Nhà nước, vì vậy Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, gồm: trái phiếu Chính phủ, vốn vay ưu đãi nước ngoài...

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nhật, TS. Trần Du Lịch ĐBQH khóa XIII cho rằng, chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện bằng hình thức PPP là rất đúng đắn. Tuy nhiên, theo ông Lịch, muốn làm được bằng PPP, Nhà nước phải có nguồn hỗ trợ nhằm đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. “Để có nguồn vốn hỗ trợ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, Nhà nước có thể phát hành trái phiếu Chính phủ, sử dụng nguồn vốn ưu đãi ODA, thậm chí thoái vốn bán bớt cổ phần tại một số doanh nghiệp Nhà nước để làm vốn mồi cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam”, ông Lịch nói.

Liên quan đến việc thực hiện đề án trên bằng hình thức PPP, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quan trọng nhất là Nhà nước phải đảm bảo ổn định các cơ chế Chính sách để các nhà đầu tư yên tâm tham gia.

Trong quá trình đấu thầu dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải làm công khai, minh bạch, đặc biệt là phải kiểm tra chặt chẽ năng lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Ông Khôi nhấn mạnh: "Các dự án đường cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, cùng nằm trên một tuyến, chỉ cần một nhà đầu tư yếu, không đủ năng lực dẫn tới tiến độ hoàn thành chậm sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến việc khai thác cả dự án.

Ngoài ra, ông Khôi cũng lưu ý đảm bảo đồng bộ về tiến độ, chất lượng nhằm giảm chi phí quản lý dự án. Đặc biệt, phần lãi suất vốn vay để thực hiện dự án phải do thị trường quyết định, không thể chốt cứng như quy định của Thông tư 55/2016 Bộ Tài chính vừa ban hành.

Tuy nhiên, đề án này khó mà thực hiện, trong công văn số 13566 gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính nhận định số vốn khoảng 230.000 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 93.000 tỉ đồng chiếm 40,7% và tương đương 2% GDP) của đề án này là rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước (2015) đồng thời cho rằng đề án còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu cẩn trọng và làm rõ.

Theo Bộ Tài chính, khung dự kiến tài chính - ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố rất sát mức trần (như tỉ lệ nợ công, khả năng thu, cân đối chi, mức bội chi...) nên việc huy động thêm các nguồn lực (huy động nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ODA, vay ưu đãi) là không khả thi.

Đức Hòa (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news