"Với công việc đánh bắt xa bờ, những thanh niên ngư dân cũng đã đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước".
Đó là ý một trong những ý kiến được nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chiều nay (21-5).
Theo tin tức tức trên báo Tuổi trẻ, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, nghề đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động chính là thanh niên, mỗi chuyến kéo dài hàng tháng trên biển.Trong bối cảnh khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển nếu không có Chính sách ưu tiên miễn nghĩa vụ quân sự cho ngư dân đánh bắt xa bờ thì sẽ thiếu hụt lao động cho nghề này.
Đại biểu Phạm Trường Dân phân tích, nước ta có vùng biển rất rộng lớn, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ vùng biển và hải đảo. Do đó nên có chính sách đối với con em của người lao động đi biển. Cụ thể, những thanh niên tham gia đánh bắt xa bờ, họ đã lao động trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền rồi thì nên miễn nhập ngũ.
Ngoài ý kiến của đại biểu Phạm Trường Dân, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đề nghị luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các chính sách quân đội cho quân nhân giải ngũ. Chẳng hạn, người đã có bằng đại học sau khi giải ngũ có thể được xét tuyển vào vị trí công việc phù hợp trong các cơ quan nhà nước, không cần phải thông qua thi tuyển. Vì có như vậy thì mới khuyến khích công dân nhập ngũ và đảm bảo quyền lợi của người đã tham gia nghĩa vụ quân sự.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa |
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, để khuyến khích công dân tham gia nghĩa vụ quân sự, với các trường hợp đã tốt nghiệp ĐH, sau khi đi nghĩa vụ xong cần phải được ưu tiên xét tuyển vào các vị trí phù hợp không cần thi tuyển.
Còn thông tin trên báo Vietnamnet, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) đề xuất thêm, nên miễn nhập ngũ đối với con em các gia đình bị chất độc màu da cam, vì những gia đình này có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong khi số lượng được hưởng chế độ rất thấp.
Về việc mở rộng thêm đối tượng được miễn nhập ngũ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến nên mở rộng thêm ra một số đối tượng phục vụ trong các lĩnh vực khác nhưng gắn với nhiệm vụ quốc phòng và quân sự.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thì nhấn mạnh với các trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp sau 5-6 năm ĐH khi gọi đi nghĩa vụ quân sự cần phải được sử dụng đúng chuyên môn, nếu không rất lãng phí. Việc kéo dài thời gian nhập ngũ suy cho cùng cũng vì mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng.
Cũng trong chiều nay, báo cáo tại QH về dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho hay, UBTVQH đề nghị QH thống nhất chủ trương thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.
Cụ thể, với sinh viên, chỉ áp dụng tạm hoãn nhập ngũ đối với các trường hợp đang đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy trong nước trong thời gian một khoá đào tạo, đồng nghĩa, sinh viên trúng tuyển vào trung cấp, CĐ, ĐH không chính quy sẽ không thuộc đối tượng trên. Đề xuất này từng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Theo đó, ngoài việc giữ quy định cũ về độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18-25, dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự mở rộng thêm biên độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 đối với công dân đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Về thời hạn quy định nghĩa vụ quân sự, UBTVQH nhất trí tăng thời hạn lên 24 tháng thay vì 18 tháng như hiện nay. Một số trường hợp đặc biệt phải kéo dài thời hạn phục vụ nhưng không được quá 6 tháng.
UBTVQH cũng nhất trí việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với công dân nam. Công dân nữ chỉ người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị.
Phong Vân (Tổng hợp)