Tin mới

Đến nơi người già sống qua ngày với bát cơm 5 nghìn đồng

Thứ tư, 30/07/2014, 08:49 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Mỗi một người ở trung tâm bảo trợ xã hội được chế độ 800 nghìn đồng/ người/ tháng. Chia ra thì mỗi cụ chỉ được ăn một bữa sáng là 5 nghìn đồng.


 

(Tinmoi.vn) Mỗi một người ở trung tâm bảo trợ xã hội được chế độ 800 nghìn đồng/ người/ tháng. Chia ra thì mỗi cụ chỉ được ăn một bữa sáng là 5 nghìn đồng.

Bữa ăn 5 nghìn đồng/ suất

Chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ xã hội số 3 (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) vào buổi trưa nắng dịu, một ngày cuối tháng 7. Ngoài PV, hôm đó còn có một đoàn học sinh từ xứ sở kim chi xa xôi, sang đây làm thiện nguyện. Họ tổ chức văn nghệ, trao quà cho những người trong trung tâm, và ở lại một ngày giúp trung tâm làm vệ sinh, chăm sóc các cụ già, các cháu nhỏ.

Suất ăn sáng của các cụ chỉ có 5 nghìn đồng.

Trẻ em nước ngoài khá thân thiện, ngay khi thấy nhóm PV bước vào trong sân, các em cúi đầu chào bằng câu tiếng Việt khá chuẩn “xin chào”. Đáp lễ, chúng tôi cũng chào lại và "khuyến mại" thêm các em câu chào bằng tiếng Hàn. Thấy chúng tôi chào bằng tiếng Hàn, các em khá thích thú, cười tít cặp mắt 1 mí đặc trưng của xứ kim chi.

Nhìn chung, cơ sở vất chất tại Trung tâm bảo trợ số 3 khá khang trang và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm. Ông Hoàng Anh Đức – Giám đốc trung tâm chỉ tay về phía khu nhà đang được sửa nói: “Sau này, đó sẽ là khu nhà trẻ tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đang mở rộng và làm khu vui chơi cho các cháu. Kinh phí xây dựng do 1 cặp vợ chồng người Mỹ tài trợ, một số những công trình ở đây đều do những nhà hảo tâm trong nước và quốc tế giúp đỡ xây dựng.”

Chia sẻ về những khó khăn của trung tâm, ông Đức cho biết, điều tôi trăn trở nhất đó là chế độ dành cho các cụ và các cháu ở trung tâm. Mức sinh hoạt phí mà nhà nước cấp cho người trong trung tâm quá thấp chỉ 700 nghìn đồng/tháng, thêm cả tiền sinh hoạt phí (vệ sinh, tắm giặt…) 100 nghìn, tổng cộng là 800 nghìn/ người/ tháng. Như vậy, nếu tính ra mỗi người được có 23 nghìn/ngày. Cứ thế chia ra bữa sáng các cụ chỉ có được suất ăn 5 nghìn đồng / bữa sáng và 9 nghìn đồng / bữa trưa, tối.

Video: Cận cảnh bữa cơm của người già cô đơn trong trung tâm

 

 

“Tuy khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, nhân viên trung tâm cũng cố gắng không bao giờ để cho các cụ đói. Thông thường, bữa cơm bao giờ ít nhất cũng có 2 món thịt hoặc cá và rau”, ông Đức nói thêm.

Ngoài ra, vị giám đốc này cho biết, khó khăn nhất của trung tâm là những lúc có các cụ hay các cháu bị bệnh phải nằm viện điều trị. Vì các cụ đến đây đa phần đều là người già cô đơn, trẻ em bị bỏ rơi nên trung tâm có trách nhiệm lo từ A-Z. Kể cả khi người trung tâm mất, trường hợp không có người nhà đến đón về làm lễ, trung tâm sẽ làm đủ mọi thủ tục tang lễ cho họ.

Mỗi khi có người nằm viện, trung tâm phải cử ít nhất 2 người đi chăm sóc. Nhân lực mỏng, cứ mỗi lần như vậy mọi người lại phải tang ca để trông nom các cụ ở nhà.

“Công việc vất vả là vậy, nhưng lương chỉ 3 cọc 3 đồng (trung bình khoảng 3 triệu đồng/người - PV) mà lo đủ thứ như tiền sinh hoạt, có người phải thuê nhà… vậy mà mọi người vẫn cố gắng làm tốt công việc”, ông Đức thở dài.

Đắn đo chuyện bỏ nghề

Đã công tác tại trung tâm 14 năm, là một trong những nhân viên kỳ cựu tại đây, chị Lê Thị Kim Thanh (phụ trách y tế) thẳng thắn chia sẻ: “Ngày mới ra trường, tôi đã làm việc tại trung tâm bảo trợ. Khi còn trẻ, đã có lúc tôi đem công việc của mình ra so sánh với bạn bè. Nếu tôi cũng chọn một bệnh viện nào đó để làm việc, thì chắc chắn thu nhập của tôi sẽ cao hơn, đời sống sẽ đàng hoàng hơn. Tuy nhiên, phải trải nghiệm thực tế rồi, phải gắn bó với công việc xã hội này rồi thì mới thấm thía ra nhiều giá trị cao cả hơn tiền bạc. Đắn đo, chọn lựa mãi cuối cùng tôi quyết định gắn bó với công việc này.

Ở đây, có thể tôi không giàu vật chất nhưng bù lại tôi được rất nhiều. Tôi có nhiều thời gian nhiều để chăm lo con cái, gia đình hơn nếu như làm bệnh viện. Thực tế chăm sóc các cụ tôi lại thấy hình ảnh mình sau này. Có thể, sau này mình cũng sẽ lẫn, sẽ cô đơn như các cụ thì sao? Vì vậy, ở trung tâm mọi người đều phải đặt cái tâm trong công việc, không có tâm thì không bao giờ có thể làm được công việc này và gắn bó với nó.”

Theo chị Thanh, mỗi cháu bé, mỗi cụ vào trung tâm đều có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Các cháu nhỏ thì phần lớn bị bố mẹ bỏ rơi, còn các cụ là người độc thân… vì vậy, nhân viên phải coi họ như những người trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thái (71 tuổi, quê Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi và chị gái (bà Minh 85 tuổi) không có gia đình. Ngày trước, bà Minh lên Hà Nội ở với người em, nhưng do bà nghịch quá, gãy cả chân nên cho bà vào trung tâm. Ban đầu, tôi vào đây chăm bà nhưng thấy môi trường trong này tốt nên xin vào trung tâm luôn. Ở trung tâm có 2 loại: Thứ nhất là người có chế độ và thứ hai là người tự nguyện. Tôi với chị gái 1 tháng hết 7 triệu vì 2 chị em ở dạng tự nguyện. Chị tôi 4 triệu còn tôi 3 triệu, mức phí tùy theo tuổi và sức khỏe của các cụ.”

Bà Nguyễn Thị Thái (71 tuổi, bên phải) đang dìu người chị ruột bà Minh (85 tuổi, ảnh trái) vào phòng ăn cơm.

Ghi nhận của PV cho thấy, nhân viên tại trung tâm tận tình phục vụ. Nhưng do nhân lực mỏng, mỗi ca chỉ có gần 10 người chăm sóc 95 người già và 110 trẻ em nên việc chăm sóc cũng chưa thực sự vẹn toàn. Mặc dù, đội ngũ nhân viên đã rất cố gắng.

Chia tay các cháu nhỏ, và các cụ tại trung tâm để ra về khi cơn mưa bất chợt vừa ghé qua đã tạnh, tôi thấy lòng mình mát lạnh. Mát không phải bởi cơn mưa mà bởi tình thương của nhân viên trung tâm số 3, của các em học sinh Hàn Quốc dành cho các cụ và cháu nhỏ.

Cơ sở vật chất của trung tâm khá đầy đủ, tuy nhiên, tôi thấy chế độ cho các cụ, cách cháu còn thấp, chưa đáp ứng đủ so với hiện tại. Hầu hết, các cháu nhỏ ở trung tâm đều nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ nhà hảo tâm mới có sữa để uống. Chứ nếu cứ căn cứ vào tiền chế độ thì số tiền các cháu được hưởng hàng tháng chia theo ngày chỉ đủ mua 3 hộp sữa hộp. - Ông Hoàng Anh Đức – Giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội số 3

Đức Thuận 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news