Tin mới

Đi lễ "hối lộ" đầu xuân: Đừng dung tục hóa cửa chùa!

Thứ sáu, 20/02/2015, 09:21 (GMT+7)

Cứ đầu năm, người ta lại bắt gặp cảnh rất đông người dân, trong đó có cả quan chức, doanh nhân và những người giàu có đổ xô đi chùa.

Cứ đầu năm, người ta lại bắt gặp cảnh rất đông người dân, trong đó có cả quan chức, doanh nhân và những người giàu có đổ xô đi chùa.

 

Nhiều người trong số họ thể hiện lòng thành kính với chùa, Phật qua vật chất đặt lên bàn thờ, thậm chí có người còn phân biệt Đức Phật ở chùa nào thiêng hơn...

Để làm rõ nguyên nhân và các yếu tố gây nên các hiện tượng xấu trong mùa du lịch văn hóa tâm linh, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên khoa Văn học - trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Cảnh chen lấn ở chùa Đồng (Yên Tử - Quảng Ninh) ngày đầu xuân.

Liên quan đến vấn đề văn hóa tâm linh, nhà giáo Đặng Hùng Vĩ phân tích: Phật giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Chính vì vậy, hình tượng Đức Phật đại diện Phật giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật giáo muốn đem đến cho người dân. Đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả, tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp.

Đi chùa có năm cái: Thứ nhất là lễ bái (thân, tâm, khẩu phải trang nghiêm); Thứ hai là cúng dường (mình bỏ tiền công đức giúp đỡ chùa; vấn đề này tùy tâm, tùy hoàn cảnh, chứ không đánh giá cái tâm qua ít nhiều); Thứ ba là giác ngộ (sám hối, hướng đến chân lý cơ bản); Thứ tư là cầu may (hiểu đơn giản đó là ngũ công đức mình cầu cho kiếp sau: Hình tướng đẹp, giọng nói hay, nhiều của cải, sinh ra ở nơi cao sang và lúc mất được lên với trời); Thứ năm là du ngoạn (đến chùa để giải trí, thanh tịnh, thoải mái tâm hồn).

Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho hay: Người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà tìm đến những giáo lý của Phật giáo để phải tự xuất phát từ bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Vì vậy, Đức Phật ở đây chỉ mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng, chứ không phải là một vị thần thánh. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của việc này.

Hay việc mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu. Đó là hành động phải tội, thiếu đi sự tôn kính đối với nhà Phật, lại mất đi sự tôn nghiêm, ảnh hưởng đến mỹ thuật của pho tượng. Không phải cứ cầu cúng thật nhiều tiền vàng thì sẽ nhận lại được nhiều như thế. Giá trị vật chất không tồn tại trong các không gian linh thiêng. Kể cả chuyện đi chùa thì lại cúng mặn, đốt vàng mã, thắp hương, công đức tiền lẻ bừa bãi..., tất cả cũng đều bắt nguồn từ nhận thức sai lệch hoặc thiếu hiểu biết của người dân khi đến cửa Phật...

"Thực tế, vì tham vọng của con người nặng nên người ta đến chùa bằng những thân khác, tâm khác, khẩu khác, chứ không theo nghi thức Phật giáo. Điều này đã sai lệch mục đích tốt đẹp từ xa xưa của chùa. Cái tham trong ba nghiệp là tham - sân - si, người ta nghĩ cúng dường nhiều thì được nhiều hiệu quả, thoát tội cho chính mình gây ra.

Lại có một bộ phận cán bộ, quan chức coi chùa chiền là nơi "hối lộ" thần thánh để thoát tội nên lễ bái phải to, phải hoành tráng. Trong khi đó, trong quan niệm của Phật giáo tránh hai cái: Thứ nhất là tà lễ (cầu tài bằng danh lễ) và thứ hai là tâm kiêu mạn lễ (khinh tam bảo, khinh chùa, khinh sư, khinh những người cùng đi chùa). Nếu vướng vào nghiệp sân si thì nghiệp chướng rất nặng", ông Đặng Hùng Vĩ nói

 

Theo ông Vĩ, sở dĩ có điều này vì giá trị về hạnh phúc bị đảo ngược, hệ thống trật tự của quan niệm xã hội bị đảo ngược. Hạnh phúc là trạng thái tâm lý diễn ra vào thời điểm mà người ta đạt được kỳ vọng, thế nhưng sự kỳ vọng đó không bắt đầu theo quy trình đạt được kinh tế vật chất rồi đến sự hiểu biết, sự được tôn trọng, sự sáng tạo và cuối cùng là trạng thái tự do, tự tại. Chúng ta đang có suy nghĩ chỉ cần giàu là hạnh phúc nên những giá trị khác bị xem nhẹ.

 

Ngày xưa lên chùa, người ta đều có tâm niệm cầu cho sự siêu thoát của những người đã khuất và cầu sức khoẻ, may mắn cho gia đình, bạn bè, cầu cho quốc thái dân an. Đình, đền, chùa còn là nơi hội tụ các lễ hội văn hóa truyền thống của các vùng. Người ta lên chùa còn để gặp gỡ, giao lưu đàm đạo chuyện thơ phú; trai gái gặp gỡ, tâm tình, chứ không chỉ đơn giản lên chùa vì tâm linh.

Đấy là một nét đẹp của văn hóa dân tộc, cần phải giữ gìn, nâng niu. Còn hiện nay, việc lễ chùa nhiều khi bị dung tục hóa, thương mại hóa. Rất nhiều người lợi dụng dịp du khách lễ chùa đầu năm để trục lợi như ăn xin, bói toán, trông xe, bán lễ lạt với giá cắt cổ, lừa đảo, trộm cắp... Nhiều người nghĩ rải càng nhiều tiền thì phúc lộc sẽ càng đầy. Một số người rải tiền chỉ đơn giản là tìm sự giải tỏa tâm lý.

"Đây là những cách nhìn nhận sai lệch. Vì quan niệm của đạo Phật là đến lễ chùa để tìm sự giải thoát, thanh tịnh cho tâm hồn. Phúc đức nhận được nhiều hay ít là do con người có tu nhân tích đức nhiều hay không. Phật ở tại tâm và đừng cầu tài lộc bằng cách "hối lộ" Phật để cầu tài danh. Vấn đề quan trọng nhất là mỗi người cần có cái nhìn chuẩn mực khi đến chùa chiền. Thành tâm, tín ngưỡng là tốt, nhưng đừng để chùa chiền trở thành nơi mua bán tài lộc thì tội nặng thêm", nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Cao Tuân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news