Theo tin tức trên VTV, VnExpress, sáng ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì họp với đại diện 35 tỉnh, thành và các bộ, ngành liên quan để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có lợn bị bệnh dịch tả châu Phi, buộc phải tiêu hủy.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Ảnh: FB
Theo thống kê của Cục Thú y, tính đến 3/6, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 52 tỉnh, thành. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn; thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng...
Tại hội nghị, đa số các đại biểu thống nhất với phương án hỗ trợ bằng kg với mức tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức cụ thể.
Đặc biệt, nhiều địa phương cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn bị bệnh từ tối thiểu 300.000 đồng, tối đa 500.000 đồng /một người/ngày.
Thông tin từ hội nghị cho biết, cá biệt đã có địa phương chi số tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn vượt gấp 4,5 lần quỹ dự phòng của họ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến rất phức tạp. Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi rất nghiêm trọng, 100% các tỉnh, dự báo số lượng lợn bị tiêu hủy lên đến trên 200 triệu con. Tính toàn thế giới, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 61 quốc gia trên cả 5 châu lục. Trong đó, từ cuối năm 2018 đến nay đã có 25 quốc gia báo cáo có dịch bệnh này.