Dịch thủy đậu đang tấn công các trường học ở phía Nam, đã có hơn 20 ca mắc thủy đậu tại TP.HCM.
20 học sinh mắc thủy đậu được phát hiện tại Trường THCS Lê Văn Tám, phường 26, quận Bình Thạnh với 4 học sinh mắc thủy đậu; và Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, phường Hiệp Thành, quận 12 có đến 19 học sinh mắc thủy đậu, tập trung ở 8 lớp, phần đông là học sinh lớp 1 và lớp 2.
Đã có hơn 20 học sinh mắc thủy đậu tại TP.HCM. Ảnh: Dân trí |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã phối hợp với y tế địa phương tại hai trường này điều tra dịch tễ, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học. Số học sinh nhiễm bệnh được cho tạm nghỉ học, cách ly, điều trị, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.
“Sau khi xử lý và vệ sinh môi trường tại hai trường có học sinh (HS) mắc thuỷ đậu trên địa bàn TP.HCM, đến giờ chưa phát hiện thêm ca mắc mới. Trung tâm y tế dự phòng địa phương tiếp tục giám sát tình hình bệnh thủy đậu trong vài ngày tới”. Chiều 23-9, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh thủy đậu diễn tiến thường lành tính, bệnh rất hay lây, 90% người nhạy cảm có thể bị lây bệnh sau khi tiếp xúc. Bệnh thủy đậu xảy ra ở khắp nơi, bệnh có khả năng gây thành đại dịch. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ có thai trong những tháng đầu của thai kỳ nếu mắc thủy đậu có thể gây dị dạng bào thai; nếu trước sinh một tuần lễ người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong.
Thủy đậu vốn là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng, và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tại các nốt đậu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan, viêm não. Những đối tượng nguy cơ cao với biến chứng: trẻ sơ sinh, người lớn, phụ nữ có thai, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, suy tủy…).
Lê Vy (tổng hợp)