Tin mới

Điểm lại những sự kiện "nóng" trong kỳ họp Quốc hội tuần qua

Chủ nhật, 03/04/2016, 14:30 (GMT+7)

Quốc hội có nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử, Đại tướng Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước, ĐBQH trăn trở về vấn đề biển đông là những sự kiện, vấn đề nóng trong kỳ họp quốc hội tuần qua.

Quốc hội có nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử, Đại tướng Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước, ĐBQH trăn trở về vấn đề biển đông là những sự kiện, vấn đề nóng trong kỳ họp quốc hội tuần qua.

Quốc hội có nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử

Sáng 31/3, tại Nhà Quốc hội, với 472/484 đại biểu biểu quyết tán thành, bằng 95,5% tổng số đại biểu, Quốc hội đã bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Nguyễn Thị Kim Ngân Ảnh: TTXVN

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quốc hội cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu bằng hệ thống biểu quyết điện tử và tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thay mặt Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Trưởng ban Huỳnh Văn Tí cho biết, đã có 472/484 đại biểu biểu quyết tán thành (bằng 95,5% tổng số đại biểu) bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội; đã có 467/484 đại biểu biểu quyết tán thành (bằng 94,5% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Đại tướng Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước

Sáng 2/4, Quốc hội làm việc tại hội trường bầu Chủ tịch nước và miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Sau khi biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã bỏ phiếu kín để bầu chức danh này.

Ông Huỳnh Văn Tí, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Trưởng Ban Kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước đối với ông Trần Đại Quang.

Đại tướng Trần Đại Quang vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu vào chức vụ Chủ tịch nước.

Theo đó, với đa số phiếu chấp thuận bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đại tướng Trần Đại Quang vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu vào chức vụ Chủ tịch nước.Ngay sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả bỏ phiếu, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội đã trình bày dự thảo Nghị quyết bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước để các ĐBQH biểu quyết.

Theo Nghị quyết này, Đại tướng Trần Đại Quang sẽ giữ chức vị Chủ tịch nước ngay khi nghị quyết bầu Chủ tịch nước được thông qua.

Sau khi ông Nguyễn Hạnh Phúc đọc Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước với 465 đại biểu Quốc hội có mặt, trong đó 460 đại biểu tán thành.

Sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên thệ trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội trăn trở khi 'biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng'

Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vấn đề Biển Đông một lần nữa nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Theo đó, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng đây nhiệm kỳ mà đất nước có nhiều thời cơ, nhất là tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tạo nên nguồn lực to lớn và lòng yêu nước vô tận của nhân dân. Nhưng những thách thức trong nhiệm kỳ cũng là rất nặng nề.

"Đó là công cuộc đổi mới lần thứ nhất được khởi xướng từ năm 1986 của Đảng ta đến nay đã không còn dư địa. Những vấn đề bức xúc khi bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là thử thách bản lĩnh của đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội", ông nói.

Cùng lo ngại đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng những ngày vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. Thế nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng.

ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ nỗi day dứt khi nói về tình hình Biển Đông

Đến ngày 1/4, dù nội dung chương trình làm việc của Quốc hội là phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề chủ quyền biển đảo lại được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, nhắc tới như một nỗi day dứt khi phát biểu trên nghị trường Quốc hội.

Phát biểu gần cuối phiên thảo luận, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) xin được dành trọn 7 phút quý báu của mình để bày tỏ những tâm tư về Biển Đông.

Nêu lên điều khiến mình trăn trở, nghi ngại, ĐB Lê Văn Lai không ngại nói thẳng: "Tôi thực sự ngạc nhiên, là trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khi đánh giá về Biển Đông đều cho rằng, chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia được đảm bảo chủ quyền... thì thực tế lại không phải như vậy".

"Đánh giá về đảm bảo chủ quyền quốc gia trong khi thì người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép dân, … Tôi ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là chủ quyền và lợi ích quốc gia được đảm bảo, nhưng nói thật là tôi ép không nổi"- ĐB Lê Văn Lai nói.

Vị ĐB tỉnh Quảng Nam tha thiết đề nghị, "chúng ta hãy đánh giá đúng, chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia".

Gửi gắm tới các ĐBQH khoá XIV, ĐB Lê Văn Lai cho rằng, các ĐBQH nhiệm kỳ tới phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tuyển dụng “con cháu các cụ cả” đòi hỏi chất lượng sao được?

ĐBQH Trần Ngọc Vinh - Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng đã đặt ra vấn đề như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về một số vướng mắc trong vấn đề tinh giản biên chế.

Theo ông, biên chế của chúng ta bước đầu đã có chấn chỉnh nhưng hiện nay vẫn không như mong muốn. Tất cả bộ ngành đã chuyển thành bộ ngành đa lĩnh vực nhưng lại thành lập nhiều tổng cục nên tổng biên chế vẫn rất lớn.

Ngược lại, nhiều cán bộ công chức bảo không đủ sống, bảo nuôi 2 con đứa con không đủ nhưng ông nào cũng giàu, cũng có xe con, nhà cao. Vậy cái đó lấy ở đâu ra? Một là do cơ chế bị hổng, hai là đi vào ngõ ngách. Đây là thực tế.

ĐB Trần Ngọc Vinh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Thu nhập ở nước ta chưa được minh bạch, rõ ràng. Lượng công chức của mình quá nhiều, chồng chéo, cồng kềnh.

Phải nói tinh giản biên chế không phải giậm chân tại chỗ, có ngành rút được, có ngành phình ra, nhưng tổng số phình ra lớn hơn. Chưa kể mình còn cơ chế xin-cho. Ngoài sinh viên giỏi, giờ còn tuyển theo dòng họ, quan hệ. Ông cho rằng khi nào vẫn còn Chính sách xin cho thì không bao giờ giải quyết được vấn đề này.

"Toàn bộ biên chế là do cấp cao phân bổ đó chứ. Đã phân bổ thì khi thực hiện phải đúng, nghiêm túc. Tuyển dụng phải nghiêm thì mới mong có cán bộ chất lượng cao, chứ theo kiểu tuyển “con cháu các cụ cả” thì làm sao đòi hỏi chất lượng cán bộ được. Người dân đánh giá cán bộ mà giải quyết được vấn đề trong tinh giản biên chế thì tốt quá", ông nói.

Mời gọi các nhà đầu tư kiểu trên rải thảm, dưới rải đinh

Ngày 1/4, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), báo cáo cần xem lại việc đánh giá tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. “Phải chấp nhận nợ công ngày càng cao để duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chỉ hợp lý khi sự tăng trưởng đó xuất phát từ chính sức mạnh nội lực của nền kinh tế” - ông Hùng phân tích.

Ông Lê Như Tiến cho rằng những chủ trương, chính sách đầu tư đang bị khâu thực hiện vô hiệu hóa. (Ảnh: NLĐO)

Cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có sự chuyển biến rất chậm chạp, ông Hùng đề nghị 5 năm tới, Chính phủ cần phải có những giải pháp tích cực và kiên quyết hơn.

Đề cập vấn đề tạo lập môi trường đầu tư “trong sạch”, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho rằng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng đang bị khâu thực hiện vô hiệu hóa.

Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn… làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

“Có ĐB phải thốt lên đất lành chim đậu nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh; các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới” - ông Tiến ví von.

Tình Nguyên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news