Bộ GD&ĐT điều chỉnh xét tuyển đại học theo hướng có lợi cho thí sinh
Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo ngành đào tạo. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có) lên hệ thống.
Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm.
Đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn.
Những điều chỉnh trong năm nay tập trung vào kỹ thuật để giảm thiểu những sai sót, bên cạnh đó, các trường đại học cũng có thêm dữ liệu tin cậy hơn để xét tuyển.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Giáo dục Đại học cho thấy, năm 2022 có trên 20 phương thức xét tuyển đại học được các trường áp dụng. Tuy nhiên, trên 85% thí sinh vẫn nhập học dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ. Có nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, thậm chí có phương thức không tuyển được thí sinh nào. Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả gây nhiễu loạn thông tin cho hệ thống và xã hội. Theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, năm nay, các trường cần xem xét lại, phân tích chất lượng đầu vào theo các phương thức xét tuyển để loại bớt phương thức không hiệu quả.
Tránh tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển trên ngưỡng tuyệt đối hoặc đạt hơn 30 điểm vẫn trượt
Theo VTV, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra một số điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế và việc đơn giản hóa trong đăng ký xét tuyển cho thí sinh. Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được đề xuất việc tính điểm ưu tiên. Từ năm nay, cách tính điểm của thí sinh có điểm thi từ 22,5 điểm trở lên sẽ giảm dần cho đến khi thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 thì điểm ưu tiên sẽ về 0. Điểm mới này sẽ chấm dứt thực tế có một số thí sinh đạt điểm tối đa hoặc gần điểm tối đa vẫn trượt tuyển sinh theo nguyện vọng 1.
Thông tin trên Lao Động, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính.
Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ GD&ĐT, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định bằng công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Như vậy, đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên.
Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Đối với các thí sinh đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.
Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu".
Cũng theo bà Thủy, trong khi đó, kết quả phân tích quá trình học tập trong trường đại học cho thấy, nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.
Điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh, và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.
Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.
Theo bà Thủy, việc điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên này không chỉ áp dụng với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác.
Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Kinh tế & Đô Thị, Trần Cao Sơn, sinh viên ngành Khoa học máy tính Đại học Bách khoa Hà Nội, từng là Thủ khoa toàn quốc khối A1 năm 2020 với 29,55 điểm cho rằng, cách tính điểm ưu tiên này khá hợp lý và thực sự có giá trị với các thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Theo Trần Cao Sơn, để đạt được từ 27 điểm trở lên, các thí sinh đều có học lực tốt và phải thực sự cố gắng, chắt chiu từng điểm số; việc thêm được 0,1 điểm đã là rất khó.
Cách tính điểm ưu tiên áp dụng từ năm 2023, phổ điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần điểm ưu tiên. Điều đó tạo công bằng hơn cho các thí sinh, nhất là thí sinh giỏi khi xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu.
Với công thức xác định trong Quy chế, các em đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở KV3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.
"Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng Chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế...", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.