“Lễ duyệt binh hầu như chỉ có sự tham gia của các khối quân sự thuộc nhiều quân binh chủng, nhằm biểu dương sức mạnh quân sự và tiềm lực quân sự của quốc gia”.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2/9, việc chuẩn bị các chương trình diễu binh, diễu hành diễn ra trọng thể tại Quảng trường Ba Đình đang được rất nhiều người dân quan tâm.
Tuy nhiên, có nhiều độc giả gửi thắc mắc đến báo điện tử Người Đưa Tin với nội dung: Diễu binh và duyệt binh khác nhau như thế nào? quy mô giữa diễu binh và duyệt binh có khác nhau hay không? khi nào thì tổ chức diễu binh, duyệt binh...
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I |
Để giải đáp những thắc mắc trên, PV báo Người Đưa Tin đã tham khảo ý kiến của Trung Tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I.
Lý giải hai thuật ngữ trên, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã giải thích rõ đồng thời trích dẫn từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học.
Theo đó, Duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.
Diễu binh là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.
Diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.
Khối nữ dân quân tự vệ luyện tập cho lễ diễu binh (ảnh VNE) |
Tướng Nguyễn Xuân Thệ cho hay: Duyệt binh, diễu binh, diễu hành là nghi thức quan trọng được diễn ra để kỷ niệm các sự kiện lớn.
Một quốc gia có thể chỉ tổ chức lễ duyệt binh hoặc diễu binh, diễu hành tuy nhiên cũng có thể tổ chức cả duyệt binh và diễu binh, diễu hành trong cùng một sự kiện.Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng, nếu sự kiện đó tổ chức cả duyệt binh và diễu binh, diễu hành thì lực lượng vũ trang sẽ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình trước sự chứng kiến của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng sau đó lực lượng diễu binh, diễu hành sẽ đi đều ở các tuyến phố để biểu dương sức mạnh.
Vì vậy, sự kiện này có ý nghĩa lớn lao và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Quảng trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội từng diễn ra những lễ diễu binh lớn nhất của đất nước |
Nguyên Tư lệnh Quân khu I cũng chia sẻ, tại Việt Nam, diễu binh, diễu hành là sự tham gia của các vũ trang bao gồm cả quân đội, công an, dân quân, và các khối dân sự như công nông, trí thức.
Diễu binh và diễu hành thường đi đôi với nhau trong đó khối hồng kỳ và quân sự đi trước, các khối dân sự đi sau.
Trong diễu binh khối quân sự chủ yếu được trang bị vũ khí khí tài cá nhân. Tác dụng chủ yếu là biểu dương lực lượng mang tính quần chúng.
Trong khi đó các lễ duyệt binh hầu như chỉ có sự tham gia của các khối quân sự thuộc nhiều quân binh chủng, nhằm biểu dương sức mạnh quân sự và tiềm lực quân sự của quốc gia.
Bên cạnh vũ khí, khí tài cá nhân còn các trang thiết bị của các quân binh chủng như xe tăng, pháo, thiết giáp, máy bay…
Còn ở nhiều nước, thường duyệt binh để kỷ niệm các ngày chiến thắng, nhưng nhiều khi cũng để phô trương sức mạnh quân sự.
Như trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm tại Nga thường có xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng đi từng khối quân binh chủng để chào – duyệt binh tất cả các đội quân tham gia diễu binh trong ngày Chiến thắng.
Trước đó, tại buổi họp báo sáng 12/8 về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Ngày Quốc khánh 2/9 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015), Ban tổ chức cho biết, ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là sự kiện lịch sử vĩ đại, có ý nghĩa to lớn với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước 2/9 nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Sáng 2/9 tới đây, chương trình míttinh, diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra trọng thể tại Quảng trường Ba Đình, được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trước lễ míttinh là phần chào cờ và bắn 21 phát đại bác từ khu vực Hoàng thành Thăng long. Phần diễu binh có sự tham dự của khoảng 30.000 người thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an, du kích, dân quân, tự vệ), các lực lượng quần chúng nhân dân đại diện cho các thành phần, lực lượng trong xã hội; cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ và các dân tộc Việt Nam. Phần diễu binh, diễu hành có chủ đề "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa". Sau nghi lễ diễu binh, diễu hành là chương trình diễu hành nghệ thuật với sự tham gia của các lực lượng nghệ sỹ, nghệ nhân, sinh viên các trường nghệ thuật. Đoàn diễu binh, diễu hành sau khi đi qua Quảng trường sẽ tiếp tục đi theo hai hướng trên đường phố thủ đô là: Nguyễn Thái Học-Kim Mã-Liễu Giai; Nguyễn Thái Học-Hàng Khay-Tràng Tiền-Nhà hát Lớn. Nhân dân có thể đứng dọc theo các tuyến đường này để trực tiếp xem phần diễu binh, diễu hành. Ban tổ chức cũng lắp đặt các màn hình lớn dọc theo các tuyến đường để nhân dân cùng theo dõi. Tối 2/9, chương trình hòa nhạc đặc biệt "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh" sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Từ 21 giờ ngày 2/9, thành phố Hà Nội sẽ Bắn pháo hoa tầm cao tại 5 điểm: Hồ Hoàn Kiếm; công viên Thống Nhất; hồ Văn Quán; sân vận động quốc gia Mỹ Đình và Hồ Tây... |
Theo Cao Tuân