Tin mới

Đề xuất "dồn" xe khách tuyến miền Trung về bến xe Nước ngầm gây tranh cãi

Thứ sáu, 10/06/2016, 16:55 (GMT+7)

Đề xuất của Sở GTVT về việc xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước ngầm gặp phải nhiều ý kiến phải đối của nhà xe cũng như người dân.

Đề xuất của Sở GTVT về việc xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm gặp phải nhiều ý kiến phải đối từ một số nhà xe và người dân.

Liên quan đến đề xuất của Sở GTVT với Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Sở GTVT… xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch tuyến vẫn đang được Hà Nội xem xét, bao gồm cả việc điều chuyển bến xe Lương Yên.

Cũng theo bà Hiền, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có ý kiến về việc này, sau khi Hà Nội có báo cáo cụ thể về đề xuất trên thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có ý kiến.

Với đề xuất trên của Sở GTVT cũng gặp phải nhiều phản đối của các nhà xe cùng như người dân.

Hầu hết nhà xe không muốn bị điều chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình. Ảnh Vnexpress

Đại diện nhà xe Khánh Duy (chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa) cho biết, Sở GTVT có đề xuất điều chuyển các nhà xe có cự ly trên 145km về bến xe Nước Ngầm với lý do ách tắc tôi cho rằng là không hợp lý. Không hợp lý ở chỗ xe Nghệ An, Thanh Hóa… đi đường vành đai trên cao chứ không đi đường trung tâm nên không gây ách tắc được.

Cũng theo đại diện nhà xe Khánh Duy, việc di dời như vậy xe gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân. Môi trường kinh doanh không thuận lợi vì các nhà xe đã kinh doanh tại đây hơn 14 năm kể từ khi Sở GTVT đề nghị các doanh nghiệp về xây dựng bến xe Mỹ Đình, số lượng khách đã đi quen tại đây.

Với đề xuất của Sở GTVT, đại diện nhà xe Khánh Duy cho biết, nếu như điều chuyển thì phải có lộ trình và kết hợp với hạ tầng cơ sở, giao thông phải tốt thì lúc đó hãy điều chỉnh, lúc đó chưa muộn. Còn hiện tại Sở GTVT điều chuyển ngay bây giờ thì tự khắc các doanh nghiệp đi vào con đường cụt và gần như đi đến con đường phá sản.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (quê Nghệ An), nhân viên văn phòng một công ty ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Tôi ở Cổ Nhuế, đi từ nhà đến bến xe Mỹ Đình là 5km nếu di dời các tuyến xe về bến xe Nước Ngầm thì việc đi lại của tôi hết sức khó khăn nên tôi phản đối việc đó. Bình thường ở quê có gửi đồ đạc tôi đi mất 15 phút là ra đến bến xe lấy đồ về, nếu đúng như đề xuất trên thì chắc tôi phải đi mất 2 tiếng”.

Chị Hoàng Thị Lan (quê Thanh Hóa) cũng chia sẻ, từ trước đến giờ chị vẫn bắt xe ở bến xe Mỹ Đình, nếu giờ thay đổi sẽ gây khó khăn trong việc đi lại, phải bắt nhiều tuyến xe để xuống được bến xe Nước Ngầm và gây nhiều tốn kém.

“Tốt nhất là cứ để nguyên hiện trường như bây giờ về chuyến Mỹ Đình đi. Người dân qua lại ở đây rất tốt thì cứ để thế làm chứ đừng chuyển xuống dưới bến xe Nước Ngầm”, chị Lan nói.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất với Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Sở GTVT… xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.

Theo đề xuất trên sẽ chia làm hai giai đoạn để điều chuyển.

Giai đoạn 1: Điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Mỹ Đình đi. Theo đó, lựa chọn các tuyến có cự ly từ 240km trở lên để điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam để chiều chuyển về bến xe Nước Ngầm.

Cụ thể: Bến xe Mỹ Đình thì các tuyến đi Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tình (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày), Đăk Lăk (4 lượt xe/ngày) thỏa mãn điều kiện trên.

Các tuyến này có hành trình đi theo hướng Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Đường trên cao vành đai 3 (đoạn Khuất Duy Tiến ra Pháp Vân) -  QL1A -… và ngược lại.

Như vậy, việc điều chuyển theo hướng tuyến đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đăk Lăk từ bến xe Mỹ Đình đưa về bến xe Nước Ngầm phù hợp với lộ trình và hướng tuyến. Tổng số di chuyển đi 75 lượt xe/ngày.

Giai đoạn 2: Tiếp tục điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Mỹ Đình đi. Theo đó, lựa chọn các tuyến có cự ly từ 145km trở lên để điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi tỉnh Thanh Hóa để điều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Cụ thể: Bến xe Mỹ Đình đi Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày), thỏa mãn điều kiện trên.

Các tuyến này có hành trình đi theo hướng Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Đường trên cao vành đai 3 (đoạn Khuất Duy Tiến ra Pháp Vân) – QL1A-… và ngược lại.

Như vậy, việc điều chuyển theo hướng đi Thanh Hóa từ bến xe Mỹ Đình đưa về bến xe Nước Ngầm phù hợp với lộ trình và hướng tuyến. Tổng số chuyến đi 68 lượt/ngày. 

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: bế xe Mỹ Đình