Để vay được số tiền 20 tỷ tại ngân hàng bằng hình thức vay tín chấp, người vay phải chứng minh thu nhập hàng tháng 3-5 tỷ đồng. Nếu vay thế chấp thì bắt buộc tài sản thế chấp phải có giá trị trên 22 tỷ đồng mới đáp ứng điều kiện.
Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm tới việc một giám đốc sở tại tỉnh Yên Bái xác nhận đã phải vay 20 tỷ đồng từ ngân hàng để xây dinh thự trên khu đất đồi có diện tích 13.000 m2.
Nhiều người cho rằng với lương, thu nhập của một cán bộ công chức Nhà nước khó có thể đáp ứng được khoản lãi và gốc phải trả hàng tháng đối với khoảng dư nợ 20 tỷ đồng, điều này là không tưởng. Thậm chí, điều kiện cần và đủ để một cá nhân có thể được giải ngân 20 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn.
Theo các chuyên gia tài chính phân tích, quy định tại các ngân hàng thương mại hiện nay, một cá nhân có thể vay ngân hàng qua 2 hình thức là vay tín chấp và vay thế chấp.
Đối với hình thức vay thế chấp, người vay có thể thế chấp mọi tài sản như nhà đất hoặc ô tô và người vay phải đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng. Khoản dư nợ sẽ được giải ngân theo thẩm định giá trị khối tài sản thế chấp. Trung bình tại các ngân hàng hiện nay giá trị giải ngân dao động trong khoảng 50-90% giá trị tài sản thế chấp.
Với tỷ lệ giải ngân trên tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại hiện nay 50-90% giá trị tài sản, khối tài sản thế chấp này bắt buộc phải có giá trị từ 22 đến 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng hiện dao động trong khoảng 10-13%/năm.
Nếu vay trong vòng 10 năm, số tiền gốc phải trả mỗi tháng của người này lên tới 166,7 triệu đồng, cộng với khoản lãi 166,7 triệu đồng nếu lãi suất cho vay 10%/năm.
Tổng cộng cả lãi và gốc phải trả trung bình trong những tháng đầu vào khoảng 333,3 triệu đồng, tương đương mỗi ngày cá nhân này sẽ phải thanh toán hơn 11 triệu đồng tiền ngân hàng.
Nếu khoản vay có hạn mức 20 năm, tiền gốc phải trả hàng tháng 83,3 triệu đồng, lãi phải trả hàng tháng trong năm đầu tiên khoảng 195,4 triệu đồng. Tổng cộng trong năm đầu tiên số tiền người vay phải thanh toán hàng tháng là 275 triệu đồng, tương đương 9 triệu đồng/ngày.
Đối với hình thức vay tín chấp, người vay làm công chức Nhà nước phải có mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, mức lãi suất tín chấp dao động trong khoảng 0,7-1%/tháng. Tuy nhiên với hình thức này số dư nợ được phép vay sẽ phụ thuộc vào mức lương và thu nhập hàng tháng.
Người muốn vay tín chấp 10 triệu đồng phải có mức thu nhập nào đó đủ điều kiện. Số tiền vay càng lớn thì thu nhập cũng phải tỷ lệ thuận. Đối với khoản vay 20 tỷ đồng, dòng tiền thu nhập mỗi tháng phải dao động trong khoảng 3-5 tỷ đồng/tháng.
Trước đó trả lời báo chí ngày 29/6, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, số tiền ông mua đất xây nhà là do ông huy động từ nhiều nguồn vốn như vay mượn anh e họ hàng, trong đó ông phải vay ngân hàng 20 tỷ đồng.
Theo lời ông Quý: "Đây còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề rồi. Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời.
Năm thứ 3 đại học tôi tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình", ông Quý trình bày.
Đức Hòa (tổng hợp)