Tin mới

Điều nhức nhối sau bản án dành cho 2 bảo mẫu

Thứ ba, 21/01/2014, 09:16 (GMT+7)

Với hành vi sai trái, mỗi bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh đã phải trả giá bằng bản án 3 năm tù. Thế nhưng điều đọng lại phía sau vụ án là bài học đắt giá về câu chuyện "người chọn nghề, nghề chọn người" đối với công việc mà xã hội rất cần và đặc biệt quan tâm này.

Với hành vi sai trái, mỗi bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh đã phải trả giá bằng bản án 3 năm tù. Thế nhưng điều đọng lại phía sau vụ án là bài học đắt giá về câu chuyện "người chọn nghề, nghề chọn người" đối với công việc mà xã hội rất cần và đặc biệt quan tâm này.

Gần 8h sáng, bị cáo Lê Thị Đông Phương (32 tuổi, chủ cơ sở giữ trẻ mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, nhân viên của Phương) được dẫn ra trước vành móng ngựa.

Vụ án chấn động dư luận

Đứng trước vành móng ngựa, trước những tiếng hô hào, ánh mắt xăm xoi, phẫn nộ của người dự khán, các bị cáo không một lần dám ngoảnh mặt nhìn lại phía sau lưng, gương mặt cúi gằm. Cách đây hơn 1 tháng, họ còn là những cô bảo mẫu được các bậc cha mẹ phụ huynh rất kính trọng, tin tưởng gửi con.

Hôm nay mọi sự đã khác, gương mặt Phương và Lý gầy xọp, tiều tụy đi nhiều. Không còn ngẩng cao đầu như mỗi khi đón trẻ từ tay phụ huynh, cả hai bị cáo với ánh mặt sợ sệt, vội cúi xuống khi bất chợt gặp phải ánh nhìn hay nghe phải những lời xỉ vả từ phía người dự khán.

Video tòa tuyến án hai bảo mẫu hành hạ trẻ

 


Do chưa có bằng quản lý nên Phương không được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động. Bị kiểm tra, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng Phương vẫn duy trì hoạt động. Sau đó còn tuyển thêm Nguyễn Thị Điều và cháu chồng là Nguyễn Lê Thiên Lý vào làm nhân viên cấp dưỡng, nhân viên vệ sinh kiêm bảo mẫu.Được gọi lên thẩm tra lý lịch, giọng nói Phương run run. Phương khai từng tốt nghiệp Đại học sư phạm mầm non tại trường Đại học Sài Gòn. Khoảng tháng 9/2012, Phương thuê nhà tại số 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM để mở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, nhận giữ trẻ từ 1 đến 4 tuổi.

Tính đến tháng 12/2013, cơ sở giữ trẻ của Phương có 19 bé theo học. Do bản tính nóng nảy nên mỗi khi các cháu bé lười ăn thường bị Phương và Lý hù dọa, đánh đập, thậm chí bế thốc lên dọa thả vào thùng nước. Những hình ảnh trên đã được người dân ghi lại, báo cơ quan công an, đưa lên mạng internet gây chấn động dư luận.

Có mặt tại tòa, mẹ của bé Trần Hoàng (một trong 4 bé bị bạo hành) còn nguyên xúc động khi nhắc đến hình ảnh của con trong đoạn clip.

Chị cho biết, chị gửi Hoàng vào cơ sở Phương Anh từ tháng 12/2012. Trước đây cháu khỏe mạnh nhưng từ khi đi trẻ thường bị bệnh tiêu hóa, ăn hay ói. Bé sợ ăn, sợ đi học nhưng mẹ không ngờ phía sau biểu hiện của con là câu chuyện đau lòng về những gì con phải chịu mỗi khi tới trường.

Chị đề nghị tòa xét xử nghiêm theo pháp luật. Những phụ huynh còn lại cũng có chung cảm xúc và đề nghị tòa xử theo pháp luật.

Nghe những lời phụ huynh trình bày, Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý chỉ biết cúi gằm.Tại tòa, Phương và Lý đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Giải thích về lý do hoạt động không phép, Phương cho biết do mỗi tháng phải trả chi phí thuê mặt bằng 4 triệu đồng, nếu đợi đến khi học xong bằng quản lý, bị cáo sợ không kham nổi nên vẫn hoạt động, chờ bổ túc hồ sơ sau.

Về lý do bạo hành trẻ, Phương và Lý đều đồng loạt cho rằng do các bé lười ăn, hay bệnh, bị cáo muốn trẻ phải ăn được nhiều nên mới hành động như vậy để hù dọa.

Bài học đau lòng

Không khí phiên tòa từ khi bắt đầu đã vô cùng căng thẳng. Chỉ đến phần thẩm vấn của vị Hội thẩm nhân dân, mọi thứ như chùng xuống.

Nghe Phương trả lời, tòa phân tích: “những đứa trẻ như một trang giấy trắng, nếu được giáo dục tốt sẽ hình thành và hướng trẻ đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Còn khi trẻ được giáo dục trong môi trường bạo lực, bé sẽ bị ảnh hưởng nhân cách. Tất cả các sinh viên học khoa sư phạm đều được học điều này.

Điều nhức nhối sau bản án dành cho 2 bảo mẫu
Hai bảo mẫu trước vành móng ngựa.

Trong xã hội, do đặc thù công việc nên hình ảnh người thầy, người cô vốn rất được xã hội tôn vinh. Việc làm của bị cáo đã làm hoen ố hình ảnh đẹp về người cô giáo mầm non”. Nghe những lời nói ấy, bị cáo Phương bật khóc.

Đặc biệt, khi trả lời câu hỏi bị cáo nghĩ gì khi chọn và thi vào ngành sư phạm mầm non, quyết định gắn bó với nó suốt đời, Đông Phương nói: "Dạ, bị cáo nghĩ công việc đó cũng nhẹ nhàng, mình là phụ nữ nếu làm công việc đó thì sáng đi, chiều về còn lại có thời gian chăm sóc gia đình".

Vị Hội thẩm nhân dân bức xúc: Bị cáo phải biết rằng ngành mầm non là ngành thường xuyên tiếp xúc với trẻ, phải có tính kiên trì, biết yêu thương trẻ...Tại sao chỉ vì nghĩ có thời gian chăm sóc gia đình mà bị cáo bước vào nghề này?", Đông Phương cúi đầu im lặng.

Hóa ra một cô giáo mầm non, một bàn tay ươm mầm tương lai cho đất nước lựa chọn nghề, bước vào nghề không phải xuất phát từ khát khao gắn bó, từ lòng yêu nghề, yêu trẻ mà chỉ vì đó là "một công việc nhẹ nhàng, có thời gian chăm sóc gia đình".
Có lẽ, đây mới thực sự là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến vụ án hôm nay cũng như bao vụ án bạo hành trẻ mầm non khác.

Được nói lời nói sau cùng, Phương và Lý nức nở xin lỗi các bậc phụ huynh, xin lỗi người thân. Bị cáo Phương còn gửi lời xin lỗi đến những thầy cô giáo đã dìu dắt bị cáo, dạy cho bị cáo những bài học nhưng bị cáo vẫn vấp ngã, vẫn phạm sai lầm.

Bị cáo cũng hi vọng những cô giáo mầm non khác nói chung và những người hoạt động trong ngành giáo dục nói chung không lặp lại sai lầm như bị cáo...

Có lẽ bấy nhiêu lời xin lỗi không đủ làm nguôi lòng người dân dự khán. Nghe tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù về tội "hành hạ người khác", người dự khán ồ lên, vỗ tay đồng tình.

Bản án 3 năm tù không quá dài so với một đời người nhưng với một nhà giáo, đó là một vấp ngã, một sự trả giá quá đau lòng.

M.Phượng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news