(Tinmoi.vn) Ông Phạm Nhật Vượng, người được coi là giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay, ông cũng được người dân trong nước biết đến như một đại gia bất động sản, vị “chúa đảo” Hòn Tre.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh 1968, vốn người Can Lộc (Hà Tĩnh), là du học sinh Việt tại Nga. Sau khi lấy bằng kỹ sư, không về nước mà ở lại Nga xoay xở làm ăn, tuy khác với đa số người Việt ở nước ngoài thường buôn bán nhỏ, kiểu “cò con”, Phạm Nhật Vượng là người biết nhìn xa, có chí lớn.
Nhận thấy việc kinh doanh ở Nga ngày càng khó khăn, Phạm Nhật Vượng cùng em trai Phạm Nhật Vũ quyết định bỏ thủ đô Moscow hoa lệ tìm đường xuống Kharkop lập nghiệp. Cùng với việc rời Ukraina về hẳn Việt Nam, nhiều người kinh doanh coi đây là những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời doanh nhân của ông Vượng.
"Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến như một đại gia BĐS của Việt Nam"
Đến Kharkop, ông Phạm Nhật Vượng gần như làm 2 việc cùng lúc: thành lập Technocom và sản xuất mỳ ăn liền.
Thành công đến nhanh chóng, mỳ Mivina dễ dàng được người dân Ukraina và Nga chấp nhận. Mỳ làm ra không đủ bán, các xưởng sản xuất hoạt động nhịp nhàng và lượng công nhân ngày một đông. Tiền đổ về ngày một nhiều!
Có tiền, ông Vượng “rẽ lái” Technocom sang các lĩnh vực kinh doanh khác, đặc biệt là BĐS. Thắng lớn trong các thương vụ BĐS ở Kharkov đã khiến cho tài sản của ông Vượng và các thành viên sáng lập Technocom mau chóng phình to. Đến những năm cuối 1999 – 2000 thì ông Vượng và đội ngũ đã giàu có tiếng không chỉ ở Ukraina, mà cả ở Nga.
Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng có một quyết định lịch sử lần 2: bán lại công ty LLC Technocom cho tập đoàn Nestle SA, về quê nhà thành lập công ty đầu tư xây dựng du lịch khách sạn lấy tên Vinpearl; thành lập Vincom chuyên phát triển các dự án bất động sản trung và cao cấp.
Tầm nhìn tiên tiến của ông Vượng một lần nữa thể hiện ngay chính ở việc chọn đảo Hòn Tre làm nơi khởi nghiệp.
Hòn Tre thời điểm ông Vượng mới về nước là một đảo hoang, trên đảo không có nước ngọt lại đang do Quân đội quản lý. Tuy nhiên, ông Vượng cùng em trai là Phạm Nhật Vũ vẫn quyết tâm làm, sau khi được đối tác tư vấn kỹ càng và sự ủng hộ hết lòng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Dù đã đầu tư một lượng tiền khổng lồ, nhưng, như chia sẻ của vị chủ tịch Vingroup tại ĐHCĐ 2014, vẫn còn quá nhiều việc cần phải làm:
“Hiện nay chúng ta mới triển khai được sân Golf, 2 khách sạn, trong quy hoạch sẽ còn rất lớn diện tích vì các vị biết đảo Hòn Tre rộng 36 cây số vuông, chúng ta có hơn 600 ha”.
Vinpearl với hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam (3320 mét), có hình dáng và cấu trúc giống tháp Eiffel, vào ban đêm sẽ được thắp sáng bằng laser; với hàng loạt tiện ích như: Phố mua sắm; Trung tâm hội nghị và biểu diễn đa năng; Làng ẩm thực; Khu sân khấu nhạc nước và biểu diễn ngoài trời; Vũ trường Exotica... là mô hình rất mới tại Việt Nam.
Không khó hiểu khi số tiền khổng lồ mà ông Vượng đổ ra cho Vinpearl đã nhanh chóng “sinh sản”. Với hàng triệu lượt khách tới thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm, đây chính là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” cho ông Vượng. Dù rằng, cái nhìn tiên tiến của vị doanh nhân này chưa hẳn đã dừng lại ở việc khai thác tiềm năng du lịch. Tại ĐHCĐ Tập đoàn Vingroup 2014, ông Vượng nói:
“Chúng ta lấy hết phần giáp ngoài, tức là toàn bộ vành đai mặt biển, bo hết chân mặt biển đến độ cao 60m, là chúng ta lấy hết.”
Với nhãn quan kinh doanh và tầm nhìn chiến lược tiên tiến, ông Vượng biết rằng Vingroup đang sở hữu cơ hội “độc nhất vô nhị”, không chỉ về kinh tế.
“Chẳng có ai tiếp cận từ biển lên, ngoài chúng ta, chúng ta lấy hết vành đai chân rồi, người ta chỉ có thể dùng máy bay để ra đảo!” – ông Vượng, nói.
Quỳnh Hoa