Theo luật sư, đối tượng bắt cóc cháu bé 11 tuổi và tước đoạt tính mạng bé trai 11 tuổi ở Bình Thuận có thể bị xem xét xử lý về tội giết với khung hình phạt là tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Liên quan đến vụ việc bé trai 11 tuổi ở Bình Thuận bị bắt cóc và giết hại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội về hình phạt mà nghi phạm sẽ bị xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo thông tin báo chí đăng tải, có thể thấy đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận xã hội. Hành vi của kẻ bắt cóc và giết hại trẻ em là hành vi tàn ác, vô nhân tính, gây ra nỗi khiếp sợ, ám ảnh cho nhiều người. Vì vậy, đối tượng gây án phải xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn tinternet |
"Điều 134 Bộ luật hình sự quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có nội dung như sau: Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Trong quá trình xác minh, điều tra nếu có căn cứ xác định đối tượng bắt cóc có mục đích tước đoạt tính mạng của cháu N, như dùng dao đâm, dùng súng bắn, dùng cây đánh... thì đối tượng bắt cóc còn có thể bị xem xét xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS với khung hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 93 BLHS là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình", ông Cường dẫn luật.
Qua vụ việc này, theo luật sư Cường phụ huynh cũng cần phải trang bị cho bản thân và con em những kỹ năng ứng phó cần thiết khi trẻ bị bắt cóc, tống tiền.
"Khi trẻ bị bắt cóc, điều đầu tiên phải bình tĩnh và tìm cách liên lạc trình báo sự việc cho cơ quan công an để có hướng xử lý, giải quyết cụ thể. Tránh trường hợp nóng vội, chủ quan tự giải quyết có thể dẫn đến hậu quả xấu hoặc tổn thất về tài sản cho gia đình nạn nhân.
Nếu là vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (tống tiền), đe dọa con tin thì một mặt phải tìm cách kéo dài thời gian, thu thập các chứng cứ, thông tin về đối tượng (số đối tượng, thời gian, địa điểm, phương tiện, thủ đoạn, mục đích..), một mặt bí mật trình báo sự việc với cơ quan công an để tìm sự hỗ trợ, giải quyết. Không nên nghe theo kẻ bắt cóc đưa tiền chuộc con vì không ai có thể biết trước được liệu khi nhận được tiền chúng có trả con hay tiếp tục yêu cầu tiền chuộc hoặc giết con tin diệt khẩu.
Ngoài cơ quan công an, bố mẹ có thể trình báo đến viện kiểm sát hoặc các cơ quan, tổ chức cá nhân khác nếu gần nhà hoặc gọi đến đường dây nóng 113 hoặc 18001567 để trình báo. Đặc biệt, phụ huynh càng nhớ nhiều chi tiết về trẻ thì khả năng nhận diện càng tốt, ví dụ như quần áo, giày dép, nón mũ bé mặc, đồ chơi mang theo, đặc điểm riêng biệt trên cơ thể…", ông Cường khuyến cáo.
Thu Trang