Ngày 22/10, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đang tiếp tục phối hợp với Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) để điều tra, truy tìm đối tượng chiếm đoạt 100 triệu đồng của chị Lê Thị Thu Thảo (24 tuổi) - vợ anh Lê Văn Lộc (25 tuổi, công nhân gặp nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế).
Trước đó, thông qua Dân Trí kêu gọi giúp đỡ, nhiều tấm lòng hảo tâm đã gửi tiền về ủng hộ gia đình chị vượt qua hoạn nạn. Tính đến chiều ngày 20/10, thông qua tài khoản cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình số tiền gần 250 triệu đồng.
Góa phụ Lê Thị Thu Thảo trong tang lễ của chồng. Ảnh: Dân Trí
Tuy nhiên trong sáng 20/10, có một số điện thoại điện cho chị hỏi rất nhiều chuyện. Bất ngờ sau 2 cuộc điện thoại đó, tài khoản của Thảo bị mất 100 triệu đồng.
Tài khoản của chị Thảo bị rút mất 100 triệu đồng sau số điện thoại với số điện thoại lạ. Ảnh: Dân Trí
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Người Lao Động, lãnh đạo Vietcombank xác định chị Thảo đã bị kẻ xấu gài bẫy để rút 100 triệu đồng trong tài khoản.
Ngân hàng đã ghi nhận sự việc và đang phối hợp cung cấp toàn bộ thông tin liên quan cho cơ quan công an để sớm tìm ra kẻ lừa đảo, bảo vệ quyền lợi cho chị Thảo.
Mặt khác, Vietcombank tiếp tục đưa ra cảnh báo khách hàng không truy cập vào những đường link lạ và thực hiện giao dịch theo hướng dẫn của người lạ.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, do chị Thảo thực hiện giao dịch theo hướng dẫn của người lạ nên dẫn tới mất tiền.
"Tuy nhiên, với hoàn cảnh đặc biệt là chị Thảo vừa có người chồng mất trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, Vietcombank tạm ứng cho chị Thảo 100 triệu đồng để trang trải chi phí cuộc sống. Sau đó, ngân hàng tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra, tìm ra thủ phạm để thu hồi số tiền này", ông Thành nói.
Ngân hàng Vietcombank đã tạm ứng cho chị Thảo 100 triệu đồng để trang trải chi phí cuộc sống. Ảnh: Dân Trí
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đây không phải là thủ đoạn mới, thủ đoạn này vẫn đang được các đối tượng nhắm đến các bị hại thiếu hiểu biết hoặc đang rơi vào các hoàn cảnh khiến họ nhẹ dạ cả tin mà làm theo.
"Trong tình huống cụ thể này, rõ ràng chúng đã đánh vào bối cảnh bị hại đang cần sự hỗ trợ sau mất mát của chồng, để rồi từ đó bị hại đã tin và làm theo yêu cầu của chúng nhằm nhận được tiền. Qua đó đã giúp chúng chiếm được quyền kiểm soát nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền, để rồi sau đó chiếm đoạt tiền của bị hại", ông Phát nhận định.
Luật sư cho rằng, mục đích chính của đối tượng trên nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại. Như vậy, hành vi này có yếu tố của tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi 2017.
"Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan công an xác định các đối tượng này chỉ lừa một bị hại duy nhất với số tiền 100 triệu đồng, thì chúng có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm tù.
Trường hợp xác định ngoài bị hại nêu trên, mà chúng còn lừa được số tiền của nhiều bị hại khác, thì lúc này khung hình phạt của chúng có thể đối mặt là lên đến tù chung thân", luật sư Phát phân tích.