Theo giám đốc bến xe Nước ngầm, việc điều chuyển hàng loạt xe khách về đây lúc đầu sẽ có khó khăn nhưng sau này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà xe và người dân.
Liên quan đến đề xuất của Sở GTVT Hà Nội với Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Sở GTVT… xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).
Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, sau khi nhận được thông tin kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội thì bến xe Nước Ngầm đã có kế hoạch chuẩn bị một số nội dung như: quy hoạch lại mặt bằng, chỉnh trang lại cửa bến xe bus sao cho xe ra thuận lợi, chuẩn bị phòng chờ để có thể có thể tiếp nhận người dân đi lại từ các xe cho thuận tiện cũng như cơ sở vật chất để tiếp nhận một số phương tiện từ các bến chuyển về. Hiện, bến xe Nước Ngầm đang phá dỡ tòa nhà 3 tầng để phục vụ cho việc đỗ xe của các nhà xe. Tuy diện tích nhà 3 tầng không lớn, không thêm được xe nhiều nhưng khả năng lưu thông tốt.
Theo kế hoạch của Sở GTVT đợt 1 tại bến xe Mỹ Đình có gần 70 lượt xe, đợt hai cũng gần 70 lượt xe chuyển về; còn bến xe Lương Yên là xấp xỉ 200 lượt xe chuyển về. Trong khi đó bến xe Nước Ngầm có công năng sử dụng khoảng 800-1.000 lượt xe/ngày đêm. Hiện tại bến xe Nước Ngầm mới có khoảng 200 lượt xe/ngày đêm nên bến xe Nước Ngầm có đủ khả năng tiếp nhận xe từ các bến khác chuyển về.
Bễn xe Nước Ngầm. |
Ông Lập cũng cho biết, hiện bến xe Nước Ngầm đã báo cáo Sở GTVT về kế hoạch hỗ trợ các nhà xe bước đầu khi chuyển về bến. Theo đó, tháng đầu tiên bến xe Nước Ngầm sẽ hỗ trợ 100% tiền dịch vụ hỗ trợ vận tải (các dịch vụ thuê quầy bán xe, trông giữ xe, tham gia các dịch vụ ăn uống-giải khát, chuyển phát hàng hóa…), tháng thứ hai là 80% và tháng thứ ba là 50%.
Trước thông tin nhiều nhà xe tại bến xe Mỹ Đình phản đối việc điều chuyển xe đến bến xe Nước Ngầm, ông Lập cho biết, về phương diện doanh nghiệp phải chấp hành sự điều hành của cơ quan quản lý, còn việc đi lại của người dân thì rõ ràng có một số người sẽ phải lên xe bus hoặc phương tiện cá nhân để về bến mới thì cũng là khó khăn ban đầu, nhưng về tổng thể cho thành phố thì thành phố có lợi rất nhiều.
“Hiện nay theo thống kê của cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp, bình thường có hơn 1.000 lượt xe xuyên tâm một ngày của những bến xe và những xe đang hoạt động, đang được cơ quan quản lý quản lý. Xuyên tâm như vậy trái với quy hoạch của Bộ GTVT. Còn từng bước điều chuyển theo đúng hướng thì cái đó sẽ giảm đi và có lợi cho nhiều người. Tất nhiên, vì mật độ dân cư ở Hà Nội phân tán tương đối đều nên sẽ có người thiệt nhưng nhiều người lợi vẫn phải chọn theo đa số", ông Lập cho hay.
Như tin tức đã đưa, mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất với Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Sở GTVT… xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Theo đề xuất trên sẽ chia làm hai giai đoạn để điều chuyển. Giai đoạn 1: Điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Mỹ Đình đi. Theo đó, lựa chọn các tuyến có cự ly từ 240km trở lên để điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam để chiều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Cụ thể: Bến xe Mỹ Đình thì các tuyến đi Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tình (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày), Đăk Lăk (4 lượt xe/ngày) thỏa mãn điều kiện trên. Các tuyến này có hành trình đi theo hướng Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Đường trên cao vành đai 3 (đoạn Khuất Duy Tiến ra Pháp Vân) - QL1A -… và ngược lại. Như vậy, việc điều chuyển theo hướng tuyến đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đăk Lăk từ bến xe Mỹ Đình đưa về bến xe Nước Ngầm phù hợp với lộ trình và hướng tuyến. Tổng số di chuyển đi 75 lượt xe/ngày. Giai đoạn 2: Tiếp tục điều chuyển các tuyến xe từ bến xe Mỹ Đình đi. Theo đó, lựa chọn các tuyến có cự ly từ 145km trở lên để điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi tỉnh Thanh Hóa để điều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Cụ thể: Bến xe Mỹ Đình đi Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày), thỏa mãn điều kiện trên. Các tuyến này có hành trình đi theo hướng Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Đường trên cao vành đai 3 (đoạn Khuất Duy Tiến ra Pháp Vân) – QL1A-… và ngược lại. Như vậy, việc điều chuyển theo hướng đi Thanh Hóa từ bến xe Mỹ Đình đưa về bến xe Nước Ngầm phù hợp với lộ trình và hướng tuyến. Tổng số chuyến đi 68 lượt/ngày. |
Thu Trang